Trước đó, khi vừa đến Bỉ, tạm coi như một sinh kế, Bích nhận chăm sóc ông cụ già Frankel, người
Hung Gia Lợi, trốn cộng sản nước ông, tị nạn tại đây đã 40 năm. Bà cụ qua đời, ông sống cô đơn, nhớ
nước thương quê, đêm đêm ông khóc, nước mắt đổ vào giòng Danube, xuôi Budapest về tận bến sông
sau nhà. Hai năm sau, ông cụ qua đời:
Tôi lủi thủi theo sau quan tài đơn chiếc
Tiển đưa ông an nghỉ nghìn thu
Tôi cảm thương ông
Và thương cho số phận của mình tương tự
Tôi đâu có ngờ
Chỉ mấy năm sau đó
Bức tường Bá Linh gục xuống
Xô Viết, Đông Âu đổi chủ
Kéo theo huyền thoại đỏ một thời…
Giờ đây Hungary vắng bóng quân thù
Thì cụ Frankel không còn nữa
Tôi lặn lội qua Budapest
Tìm tận nhà ông
Như để thực hiện thay ông một chuyến“trở về ”
Nhưng nửa thế kỷ rồi, cảnh cũ đã đổi thay, không tìm được ngôi nhà, có chiếc cổng sau trổ ra bên
giòng sông Duna, Phương Hà dọc theo cầu nối liền Buda và Pest, dừng lại nửa chừng,
… Đăm đăm nhìn xuống giòng sông
Lấp lánh những giọt nước mắt của cụ Frankel
Nhấp nháy như bảo cho tôi được biết hồn cụ đã về
Lãng đãng trên sông
Nhịp nhàng lướt êm với nền nhạc valse bất hủ
Blue Danube. Le Beau Danube Bleu
… Tôi tiếp tục qua cầu
Lòng bỗng thoáng vui
Dầu cho cụ Frankel qui tiên không chờ đợi được
Nhưng giờ đây mộng ước đã thành.
Hungary đang đứng dậy.
(Chuyến đi Hungary, 1995, b. 107).
Tổng luận
Trong truyền thống thi ca Tây phương, phái cổ điển cho rằng Thơ là một điểm trang hoa mỹ thêm vào
cấu trúc văn xuôi để đem lại sự thích thú cho nhà thơ và độc giả. Cho nên ngôn ngữ thi ca không nói
gì khác hơn văn xuôi, nhưng nói một cách thích thú cao độ hơn (Paul Claudel - Cinq Grandes Odes).
Jean Louis Joubert nhận xét thêm rằng loại thơ truyền khẩu (như đồng ca, các bài ru con, các bài hò
lao động…), là loại có lời thơ đầy thích thú, song cái thú vị ấy không phải chỉ ở trí óc, mà ở cả trong
năng lực nhạy cảm, trong vận chuyển thân xác của nhà thơ nữa, vì nhà thơ bình dân vừa xướng lên lời
ca, vừa gõ nhịp và lay động thân hình (Vì thế, ngày xưa ở nước ta, các cụ làm thơ, hay ngâm vịnh,
thường có thói quen gật gù, nhịp chân, hay rung đùi vỗ vế).
Chính bí quyết làm cho lời thơ gây được thích thú nầy, đã được các nhà thơ siêu thực (surréaliste) hiện
đại như Paul Eluard (1895-1952), Philippe Soupault (1897-1990) hay Robert Desnos (1900-1945) khám
phá ra, rồi bắt chước theo để xây dựng các thi phẩm của mình, tạo được cái thú say mê, cái thú thưởng
thức giá trị thẩm mỹ trong các từ ngữ của câu thơ (Jean-Louis Joubert, La Poésie, Armand Colin, 1999
Paris, trang 38, 39). Và tất cả đều « theo một qui luật duy nhất là lời thơ phải trực phát từ nguồn thi
hứng của tác giả, với những từ tuyệt diệu, mà cũng với những thổ ngữ, những từ tượng thanh,
những từ ngữ bình dị của dân gian nữa. Độc giả thường gặp những hột cát lẫn lộn với những hạt
kim cương, trong quá trình diễn tiến của thi ca siêu thực Pháp, từ những bài thơ rất cổ điển đến
những bài mà lời thơ như văn xuôi suông tuột thông thường» (Paul Crouzet, Histoire illustrée de la
Littérature française, Ed. Didier, Paris 1942, trang 834).
Trường hợp Tuyển tập thơ Phương Hà, tác giả đã chịu ảnh hưởng các lời hát ru con, các loại dân ca
truyền khẩu, mà anh đã quen thuộc lòng từ nhỏ, cho nên cũng có lời thơ bình dị hồn nhiên như văn xuôi
trong ngôn ngữ hằng ngày của người dân Việt, và đã diễn đạt ra một cách thích thú.
Thích thú, vì sự hội nhập ngôn ngữ thi ca truyền khẩu với điệu bộ của thân hình con người, được thể
hiện trong Tuyển tập nầy, qua sự vận dụng a) những tiếng kép đôi với những từ vô nghĩa, b) hai tiếng
kép đôi xen kẽ nhau tạo thành hai vế đối xứng nhau, c) những yêu vận xen lẫn vào lưng chừng câu
(yêu: lưng), là những mỹ từ, thuật ngữ độc đáo của ngôn ngữ Việt, mà cho đến nay, theo chúng tôi biết,
không thấy xuất hiện có hệ thống trong một ngôn ngữ nào khác:
1- Tiếng kép đôi với những từ vô nghĩa, gồm có 2 tiếng ghép lại, hoặc hai tiếng đều vô nghĩa, hoặc
một tiếng có nghĩa với một tiếng vô nghĩa là những tiếng được thêm vào cho câu thơ nhịp nhàng, êm tai,
hay có ý nghĩa tinh tế hơn.
a) Hai tiếng đều không có nghĩa, như «Lững thững bước em. Mắt huyền thăm thẳm. Tóc huyền
óng ả suối đêm. Duyên nợ chơi vơi (Nghe đàn mười sáu, b.38). Se sua xấu đẹp (Chuyện Hoa Hồng
b.91). Em bỡ ngỡ gần mười năm thương nhớ (Sao trong mắt, b.97). Hàng châu lã chã từ hố thẳm
tình thương (Thương, b.41). Con hoàng điệp nhởn nhơ (Bướm Hoa, b.56). Thôi đừng bịn rịn rồi ra
cũng lại chia tay (Carolina, b.67). Đường dài hôm sau dù quạnh quẽ (Tóc mai, b.60)…
b) Một tiếng có nghĩa ghép với một tiếng không có nghĩa (tiếng không có nghĩa viết đậm nét) như:
Không gian xuống thấp êm đềm (Nghe đàn mười sáu, b.38). Chưa thấy mặt đã thẹn thùa. Bầy tiên
tràn trề hương sắc. Từng đóa nâng niu phó mặc chuyện đời (Chuyện Hoa Hồng, b.91). Ngày xửa
ngày xưa, nỗi nhọc nhằn, tàn tạ, lom lem (Sao trong mắt, b.97). Hai đứa ngu ngơ đơn chiếc trên đời
(Tình mình, b.98). Với đủ nhớ nhung thờ thẫn, đợi chờ (Vân thi, b.50). Nghe nằng nặng những thương
cha (Cha tôi, b.42)…
2- Hai tiếng kép đôi xen kẽ lại, để tạo thành hai vế đối xứng nhau, như: Vì chia tay nào không ruột
thắt gan bào (ruột gan + thắt bào) (Đẩy con xuống biển, b.2). Quét hư ảo thương tình sau nghĩa
trước, (tình nghĩa + sau trước). Nát ngọc trôi hoa (nát trôi + ngọc hoa) (Cây bút nhỏ, b. 20). Ai làm
em đến hương tan nhụy rã (hương nhụy + tan rã) (Bướm hoa, b.56). Hồn ngất ngư mặc đất sụp trời
nghiêng (đất trời + sụp nghiêng) (Christina, b.61). Bán máu buôn xương (bán buôn + máu xương)
(Hiệp định Paris, b.8). Kêu trời ơi đất hỡi (trời đất + ơi hỡi) (Chuyện Cộng sản, b.85). Đầu gành cuối
bãi (đầu cuối + gành bãi) (Bướm hoa, b.56). Chôn nhau cắt rún (chôn cắt + nhau rún) (Mười năm,
b.114), v.v…
3- Nhiều yêu vận - Về vị trí của vần trong câu, ta có hai loại: Cước vận (cước = chân), là những vần
gieo vào các tiếng ở cuối câu, và Yêu vận (yêu = lưng), là những vần gieo vào ở lưng chừng câu. Thơ
của Phương Hà trong Tuyển tập có nhiều yêu vận hơn cước vận, hòa nhịp với các tiếng kép đôi với
những từ vô nghĩa nên có tính cách Việt Nam thuần túy, đậm đà. So với ca dao, thi ca Trung Hoa
không có yêu vận, thì ca dao, thơ Việt vừa có cước vận vừa có yêu vận, lại vừa hòa nhịp với các tiếng
kép đôi, với các tiếng vô nghĩa. Chẳng hạn như:
Thư về, bạn hỏi về đâu?
- Về đâu bến mát sông sâu thì về.
Nhớ quê thương mẹ trăm bề
Hành trang nửa mảnh trăng thề ngày xưa.
Bể Đông sớm nắng, chiều mưa
Làm thân cô lữ đong đưa nỗi sầu
Mai nầy bến lạnh sông sâu
Mây giăng đầu núi, tìm đâu ân tình?
(Bạn, b.14)
Đoạn nầy có 4 yêu vận: “đâu” vần với “đâu”, “sâu”; “bề”, vần với “thề”; “mưa” vần với “đưa” ;
“sâu” vần với “đâu”. 3 cước vận: “về” vần với “bề”, “xưa” vần với “mưa”, “sầu” vần với “sâu” hòa
nhịp với các tiếng kép đôi: bến mát, sông sâu, nhớ quê, thương mẹ, hành trang, trăng thề, làm thân
cô lữ, đong đưa, ân tình; với các tiếng kép đôi xen kẽ: bến mát sông sâu (bến sông + mát sâu), nhớ
quê thương mẹ (nhớ thương + quê mẹ), sớm nắng chiều mưa (sớm chiều + nắng mưa), bến lạnh sông
sâu (bến sông + lạnh sâu).
Rồi đồng thời giữa các hạt kim cương, cũng có lẫn lộn một số cát hột: những tiếng rất xưa, hiện nay
có nhiều người không hiểu được, chỉ thông dụng ở vùng Quảng Nam như: qua (tôi), nhú (mới đâm
lên) ra thơ, chưa nhen (bắt đầu cháy), hương da ngà phà (thở hơi mạnh bằng miệng), qua tôi nóng hổi
(nóng nhiều), tôi lãng tử tà tà (không chính cống), mỗi đứa chừ (bây giờ) mỗi nơi, trán rịn (thấm ra
một ít) mồ hôi, xẹt (vụt qua) xuống ghẹo (trêu cợt), tê điếng (quá chừng, không nói ra được), đi cho cố
(lắm), má hường (hồng), mới thiệt (thật) thương con, từng miểng (mảnh), gọi réo (kêu), ai cấm tụi
(bọn) mình, mà biểu (bảo) không già, thương để bụng (trong lòng), nắng mưa bầm dập (xơ xác), v.v…
Như vậy, về thể thơ, Tuyển tập của Phương Hà là một thi phẩm rất Việt Nam, thuần túy, đậm đà theo
giọng Quảng Nam.
Về ý thơ trong Tuyển tập thơ Phương Hà, nhà phê bình Nguyễn Thùy có câu: “Dầu là thơ tình cảm,
nội dung và lời thơ khắc khoải với những đau buồn của vận nước, vận mình, vẫn nói lên rõ nét
những sầu đau thế kỷ. Tình mình, tình dân, tình nước, tình người quấn quít nhau, đan nhau, quyện
vào nhau nơi thơ Phương Hà, hầu tất cả thành một thứ tình bao la, lớn rộng ôm ấp hết mọi đau sầu
nhân thế, hướng về xây dựng - hoặc mộng ước - một cảnh đời sáng lạng vui tươi. Dù có phải thân
phận lưu đày, từ xa xưa Tiên bảo “Phàm nhân là thế đấy. Thôi cho… yêu, để nhẹ án lưu đày” thì
chàng cũng không muốn giả từ kiếp lưu đày nơi trần thế để trở lại cõi Tiên. Tiên ban cấp cho Tình
Yêu để lưu đày con người nơi hạ giới”.
Tóm lại, với một lời thơ bình dị hồn nhiên như văn xuôi và diễn đạt ra một cách thích thú, tình ý chân
thành thiết tha, lãng mạn, hay tượng trưng, để trang trải một thứ tình cha con đùm bọc tha thiết, nỗi lòng
thương cảm bao la, lớn rộng ôm ấp hết mọi đau sầu về thân phận “đổi đời” của nhân thế lưu đày, nhất là
nói lên được một thứ “mặc cảm tội lỗi” “trước cái bất lực” nhục nhã của kẻ “thất phu hữu trách”, đang
“ăn năn một đời lầm lỡ, dại khờ đã để mất quê hương” và nỗi uất hận, tiếc rẻ muôn đời khi một dự
án kiến thiết kinh tế, kỹ nghệ cho Quảng Nam - Đà Nẵng do Phương Hà đề xướng, vì thời cuộc bị dở
dang, hủy bỏ không phương cứu vãn, khiến tác giả tìm an ủi, hay một lối thoát, trong nghệ thuật, trong
cái Đẹp của Thi ca, dưới muôn sắc thái của cuộc đời, Tuyển tập thơ Phương Hà, quả là một tập thơ của
dân Việt thuần túy, đậm đà, của con người đất Quảng Nam “chưa mưa đã thấm”, do một “đứa con
sông hồ” vùng Điện Bàn - Duy Xuyên viết ra, đã có một giá trị thẩm mỹ thi ca đáng kể (Paul Crouzet).
Chúng tôi viết Lời Bạt nầy, để giới thiệu thêm cùng các bạn “đồng châu Quảng Nam - Đầ Nẵng”, và
đồng thời thành thật nghĩ rằng thi phẩm Tuyển tập thơ của Phuơng Hà có nhiều điểm đáng được gửi đến
quí vị độc giả xa gần, yêu thích Thi ca hay muốn tìm hiểu về thời cuộc và nhân tình một giai đoạn nhiễu
nhương đau xót nhất của dân tộc Việt vào cuối thế kỷ vừa qua…
Nhưng một thi phẩm không bao giờ chỉ có một ý nghĩa đơn độc. “Người ta gán nghĩa gì, thì thơ tôi
có nghĩa ấy. Nghĩa nào tôi định cho tôi, chỉ đúng với tôi và không thể buộc ai thừa nhận. Nếu ta khẳng
định rằng mỗi một thi phẩm chỉ tương ứng với một ý nghĩa đúng thật, độc nhất và phù hợp hay đồng
nhất với một ý tưởng của tác giả mà thôi, thì đó là một sai lầm phản lại tính chất của thơ…” (Paul
Valéry).
Cho nên tùy theo tâm thức mỗi người, có bạn đọc sẽ hiểu các bài trong Tuyển tập nầy và hệ thống
hóa nhân sinh quan của Phương Hà một cách khác hơn.
Võ Thủ Tịnh
Paris, mùa hè 2007