Lời Bạt
Phương Hà, đứa con sông hồ đất Quảng
Con Người và Tác phẩm
Nguyễn Thanh Bích, bút hiệu Phương Hà, sinh 05-01-1927, tại Thuận Trì, tổng An Lương, định cư tại quê mẹ là làng Long Phước, tổng Mỹ Khê, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Làng Long Phước (sau đặt lại Long Xuyên, cùng các làng lận cận kết hợp thành xã Xuyên Châu) là trung tâm của vùng xưa gọi là “đất ba Châu”, ở đó dân làng đa số làm nghề công nghệ thương mãi (ít người làm nông), nổi tiếng có nhiều bộng ép dầu phụng. Ông tổ người Đàng ngoài, trên một chiến thuyền vào nam, bị đắm, tấp vào làng Phương Trì (về sau, Thuận Trì), gần Cửa Đại, phía đông Hội An, rồi di cư lên Hà Mật, đến đời phụ thân mới lập nghiệp ở Long Phước. Sở dĩ, Nguyễn Thanh Bích lấy bút hiệu là Phương Hà (Phương Trì và Hà Mật) là để ghi nhớ nguồn gốc tộc họ của mình khi mới vào Nam.
Cha Nguyễn Điểm, gia đình Nho giáo, là một Hương chức, nên được gọi ông Hương Đoan, có nghề gia truyền trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa… Mẹ Nguyễn Thị Xứng, ngày trẻ là một trong những cô gái đẹp trong làng, biết quản trị bộng dầu và buôn bán giỏi. Hai ông bà có một thời gian sống thường xuyên trên một chiếc ghe, xuôi ngược giữa các bến sông hồ, chở bánh dầu (xác đậu phụng sau khi bị ép hết nước) từ Long Phước đến vùng Thanh Quít, Giáp Năm, Cẩm Lệ, để bán cho dân chúng dùng làm phân bón cây thuốc lá.
Nguyễn Thanh Bích sinh và lớn lên trong một khoảnh rộng không quá mười mét vuông của chiếc ghe ấy, cho đến bảy tuổi. Sau, mẹ sinh thêm một gái, một trai nữa, Bích phải giúp mẹ đưa nôi, để mẹ rảnh tay vừa làm việc vừa hát ru con. Lúc rảnh rang, cậu bé Bích ngồi một mình hàng giờ, tai nghe giọng hát ru con mềm lòng của mẹ; mắt nhìn ra ngoài ghe, cảnh trên trời, dưới nước, sông bến bao la, hoặc các cảnh đồng ruộng, làng xóm, sinh hoạt cày cấy, gánh gồng của dân quê.
Đầu năm Bích lên bảy, cha Bích cho học chữ Nho, khai tâm với ông Đồ Nhự nhà ở gần Đập Nước, Thanh Quít. Lên tám, gia đình không ở ghe nữa, lên bờ định cư tại Long Phước, đổi sang nghề sản xuất dầu phụng, chọn nhà ở gần trường học để Bích đi học chữ quốc ngữ cho hợp thời. Khi lên ban Trung học, Bích xuống Hội An học trường Viên Minh. Đến năm đệ tam (1945), bắt đầu toàn dân kháng chiến Trường đóng cửa. Bích trở về Long Phước giúp cha mẹ. Trước đó, có người anh ruột, Nguyễn Rô, lúc sanh ra khó nuôi nên gửi cho bà ngoại chánh Bảy, trông coi, nay trở về lại với gia đình.
Chiến tranh tiêu thổ kháng chiến. Gia đình tản cư, đến 1949 Bích lén về thăm nhà, đến Trà Kiệu, bị quân đội Pháp bắt, nhờ người cậu làm việc ở Tỉnh đường Quảng Nam, bảo lãnh đưa về Hội An thuộc vùng bị chiếm. Năm 1950, Bích cùng gia đình bên vợ khuếch trương trở lại ngành dệt hàng tơ bóng gần Chùa Cầu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Phương Hà đặt tên cho con là: Yên Ba (sau đổi thành Thanh Yên), là Thương Thương, là Mộng Cầm, là Sơn Thành (đổi thành Sơn Điền), là Tiểu Ngọc… vốn liên quan các danh tài Thôi Hiệu, Hàn Mặc Tử, Tản Đà… Sự đổi lại tên, nghe đâu vì trùng danh với tiền nhân trong họ.
Năm 1952, Bích bị mật thám Pháp bắt giam lần thứ hai, rồi lại tha, và được Tỉnh đường Quảng Nam tuyển dụng, cùng với Phan V., Lê Đình D., Phan Th., phụ trách tổ chức hành chánh, hạ tầng cơ sở Quốc gia trong tỉnh.
Năm 1954, Hiệp định Genève, phân chia đất nước, Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chánh. Năm 1956, Bích từ chức vô Saigon định làm quản lý tòa soạn cho nguyệt san “Thủ đô”, theo lời mời của nhóm Minh Huy, Nguyễn Hương (Nguyễn Cúc), Trần Đẩu v.v…, nhưng việc không thành. Lại nữa, gia đình kiệt quệ bởi chiến tranh chưa dậy nổi, trong khi ấy nhận thấy nhu cầu của dân chúng thời hậu chiến là sự di chuyển và chuyên chở hàng hóa, nên năm 1957, Bích quay về tỉnh nhà, vay mượn vốn tậu một chiếc xe đò, thân hành cầm tay lái, ân cần đón khách. Xe chạy, Bích quen miệng hát các bài dân ca đã được nghe thời thơ ấu, và ca vọng cổ đã học được với vợ chồng nghệ sĩ Sáu Vân, sở trường ca cải lương, đàn sếch, đàn cò, mở khóa dạy tại làng Phú Bông - Gò Nổi, ở những năm 1945-1947, nên số hành khách ‘mộ điệu’ tăng lên vùn vụt, chẳng bao lâu Bích có được hãng xe đò: Thuận Xuyên (Hội An - Đà Nẵng), và hùn với hãng Nam Hoa (Huế - Nha Trang).
Năm 1963, Bích mở thêm 2 công ty xuất nhập cảng đầu tiên ở Đà Nẵng, để rồi, năm 1968, năm năm sau, Bích đắc cử Hội đồng Quản trị Phòng Thương mãi Đà Nẵng, liền ba khóa, đặc trách Chủ tịch ngành xuất nhập cảng, 9 năm, nhưng được 7 năm thì miền Nam thất thủ. Bích đóng góp với phòng Thương mãi Đà Nẵng, trình lên chính phủ quốc gia một dự án kiến thiết kinh tế, kỹ nghệ cho Quảng Nam - Đà Nẵng như sau:
1. Trị lụt cứu nguy nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, bằng cách trổ thêm đường nước từ nguồn đổ thẳng ra biển, nới rộng chiều ngang các sông, đồng thời trồng cây thêm trên đầu nguồn để ngăn chận nước lũ hàng năm kéo trôi sạch phân bón, hoa màu.
2. Đẩy mạnh, phát triển ngư nghiệp bằng khoa học kỹ thuật xuyên qua Đại học Cộng đồng Đà Nẵng sắp mở (có các ngành Khai thác Hải sản, Hầm mõ, Công nghệ địa phương, Nông nghiệp, Ngư nghiệp).
3. Xây dựng hải cảng Đà Nẵng thành một điểm mậu dịch giao thông băng qua nước Lào, Miến Điện, tiếp cận Ấn Độ, tạo điều kiện cung cấp hải sản cho lục địa nói trên.
4. Phát triễn du lịch, thành lập hải cảng chế xuất tự do (port libre) Sơn Trà, cho ngoại quốc. Xây dựng kỹ nghệ nhẹ chế biến hàng hóa, vật dùng, như áo quần, xe đạp, vật dụng thể thao, thức ăn đóng hộp, chỉ để xuất cảng. Ta sẽ được lợi a) thu thuế xuất cảng, b) tạo việc làm và chuyên nghiệp cho nhân công Việt Nam, c) rút kinh nghiệm quản trị, sản xuất, xuất cảng đem áp dụng cho địa phương và quốc nội.
5. Kết nghĩa với thành phố Cao Hưng (Đài loan) để nâng cao kỹ nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng.
6. Lập Ngư cảng đánh cá, chợ cá, sản xuất cá hộp. Xuất cảng hải sản đông lạnh. Đóng tàu đánh cá. Sửa chữa trang bị phương tiện. Kinh tế địa phương nhìn ra đại dương trước mặt.
7. Dùng cát Nam Ô chế đồ sành, đồ sứ. Lập nhà máy luyện kim nấu lại kim khí phế thải của chiến tranh.
Phần lớn các dự án nầy được các chuyên viên Nhật tán thưởng và tỏ ý muốn tham gia, cộng tác. Vì những dự án trên mà chính quyền vô sản chiếm đóng miền Nam hồi 1975, qui Bích vào thành phần “tư sản mại bản”, kết tội “cột trụ kinh tế ngụy”.
Kể từ năm 1968 cho đến 30-04-1975, Bích làm Trưởng đoàn một nhóm nam nữ thanh niên chí nguyện, có lúc hơn 120 người thuộc phân bộ Hồng thập tự Đà Nẵng, chủ tịch là bác sĩ Huỳnh Tấn Đối và bác sĩ Phạm Văn Hạc chủ tịch H.T.T. toàn Việt Nam. Cũng vào năm 1968, chiếc tàu HELGOLAND của Đức được Hồng thập tự quốc tế gửi đến Việt Nam. Đoàn thanh niên nầy hợp tác tích cực cứu giúp các nạn nhân chiến tranh của cả đôi bên.
Về hoạt động văn hóa, Bích theo một số bạn bè trong đó có học giả Nguyễn Văn Xuân hợp sức những người tâm huyết vận động thiết lập Đại học Đà Nẵng, Viện trưởng đầu tiên là g.s. Ngô Đồng, tiến sĩ về Côn trùng học, tốt nghiệp tại Mỹ, dự định sẽ khai mạc vào tháng 8 năm 1975. Nhưng miền Nam bị Cộng sản chiếm vào cuối tháng 4 năm 1975, nên chương trình khai giảng của Đại học nầy chịu chung số phận.
Ngày 2-9-1975, Bích bị Cộng sản bắt, đuổi vợ con ra khỏi nhà, buộc cho 5 tội: Là cột trụ kinh tế ngụy, đánh phá cầu Chiêm-sơn, ôm chân đế quốc Mỹ, tham gia chống cách mạng, làm giàu trên xương máu nhân dân; rồi tịch thu toàn bộ tài sản trị giá khoảng hai triệu Mỹ kim (ngày 2/9/1975) và bắt đi cải tạo Tư Sản một thời gian lâu mới thả.
Sau đó, Bích vào Sài Gòn, vượt biên hai lần đều thất bại, bị vào tù, lại phải đặt kế hoạch nhờ bạn bè đưa từng đứa con riêng rẻ tìm đường trốn ra ngoại quốc. Bích cuối cùng mới đi sau. Ngày18-12-1978, Bích thoát ra khỏi hải phận VN tấp vào một đảo hoang vu thuộc Indonésie, nhập trại tỵ nạn Liên hiệp quốc. Đến ngày 25/8/1979 được nước Bỉ nhận về cho Bích định cư tại Bruxelles, thủ đô vương quốc ấy.
Ngay từ khi bước chân vào Indonésie Bích bắt đầu làm thơ. Trong khoảng thời gian 11 năm từ 1979 đến 1990, thơ của Phương-Hà được phổ biến trong nhóm người tị nạn tại Âu Châu và cả trên đất Mỹ. Nhưng vì còn lo cho đám con 8 đứa ăn học, tìm việc, lập gia đình, ở rải rác Bỉ, Mỹ, Canada, nên chưa nghĩ đến việc xuất bản. Mãi đến ngày 18-06-2006, vào dịp mọi người trong gia đình tập hợp về Bruxelles dự lễ sinh nhật của Bích, và nhân được sự khuyến khích của một số nhà văn thân thiết với gia đình, con cháu yêu cầu cho chúng xuất bản các bài thơ của Bích, nên anh gom góp qui thành một Tuyển tập gồm 123 bài thơ Phương Hà.
***
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân có lần nói với các bạn: «Nếu thằng Bích ở ngoại quốc làm ra tiền bạc triệu, đó là chuyện bình thường. Nay nó lại làm thơ, mà lại là thơ hay nữa, thì đáng ngạc nhiên lắm».
Theo các nhà phê bình như Georges Jean, Jean Louis Joubert, tất cả mọi người chúng ta, ai cũng có thể «làm thơ», nếu một khi người ấy thật sự bị những hình ảnh, xúc cảm xa xưa của thời thơ ấu, là những gì sâu thẳm nhất, bí hiểm nhất trong cuộc đời, theo dõi, ám ảnh mình. Như vậy, với một mức độ nào đó, những người có được các chuẩn trên, có thể làm những bài mà ta gọi là thơ.
Nhưng làm thơ là một việc, mà làm một bài thơ hay lại là một việc khác. Thi hào Shakespeare đã từng nhận xét: «Trong tất cả những người có thể làm những bài gọi là thơ, chỉ kẻ nào: 1- mang sẵn năng khiếu thi ca trong người, sẽ vượt lên, 2- và óc tưởng tượng có thể hội nhập vào ngôn ngữ để diễn đạt những xúc cảm từ thiếu thời của mình, thì kẻ ấy mới có thể sáng tạo ra được những câu thơ đáng gọi là những câu thơ hay».
Năng khiếu thi ca thường được cho là thuộc về bản thể Con Người của nghệ sĩ, còn Ngôn ngữ diễn đạt thuộc về Tác Phẩm của nhà thơ. Bài Lời Vào Sách nầy sẽ dựa vào ý niệm ấy mà phân ra hai phần chính: Tìm hiểu Con Người của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Bích và Tìm hiểu nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong Tác phẩm của nhà thơ Phương Hà.
Mà năng khiếu thi ca, theo một số nhà phê bình thơ, là khả năng hài hòa âm thanh với hình ảnh. Có thể cho rằng Thơ là nơi gặp gỡ giữa một bản nhạc với một bức họa, như Thế Lữ đã từng xác nhận:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham cái Đẹp có muôn hình muôn vẻ.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca.
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối hay ngây thơ
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm màu
Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu…
Chính phê bình gia Paul Valéry, trong Morceaux Choisis (trang 176) của ông, cũng xác nhận: “Ý tưởng biến thành ra Thơ là nhờ hình ảnh (họa) và âm vang (nhạc)”.
Như đã thấy trên đây, một thiếu thời rất đặc thù đã hun đúc năng khiếu về Nhạc và Họa trong cậu Bích một cách sâu đậm: Sinh và lớn lên cho đến sáu tuổi với gia đình trong một khoảnh rộng không quá mười mét vuông của một chiếc ghe, sau khi mẹ có thêm một gái, một trai nữa, Nguyễn Thanh Bích phải giúp mẹ đưa nôi, để mẹ rảnh tay vừa làm việc vừa hát ru, tai cậu bé thường nghe lặp đi lặp lại những âm thanh bổng trầm, nhịp điệu ví von của các câu hát ru em (nhạc). Lúc thảnh thơi, cậu bé Bích ngồi một mình hàng giờ, trông ra ngoài ghe, mắt thường nhìn tới nhìn lui các cảnh tượng trên trời, dưới nước, tịch mịch, bao la, các xóm làng các cánh đồng ruộng nối tiếp nhau không dứt (họa).
Trong Tuyển tập 123 bài thơ của Phương Hà đặc biệt là thấy có bài số 38 Nghe đàn mười sáu tiêu biểu cho năng khiếu Nhạc, và bài số bài số 91 Chuyện Hoa Hồng tiêu biểu cho năng khiếu Họa. Hai năng khiếu Nhạc, Họa là thành tố căn bản của Con Người nghệ sĩ.
Con Người của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Bích
Nghe đàn mười sáu
Sau 1975, Phương Hà đưa con gái út, Tiểu Ngọc, đến nhà bà Ngọc Thanh, giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon để học về đàn tranh. Biết cha con Phương Hà sắp di cư tỵ nạn, Ngọc Thanh dụng tâm dạy cho Tiểu Ngọc một bản cổ nhạc rất đặc biệt, đề tài liên quan đến thân phận kẻ vì hoàn cảnh mà bị đưa đẩy đến xứ lạ quê người. Đó là bài Phượng Hoàng do Trưởng ban ca vũ của công chúa Huyền Trân sáng tác trong dịp vua nhà Trần cho người đưa công chúa đến nước Chiêm Thành gả cho vua nước ấy là Chế Mân, để nhận sính lễ hai châu Ô, Lý.
Hai năm sau, Phương Hà và Tiểu Ngọc vượt biển tỵ nạn, được nước Bỉ (Belgique) nhận cho định cư tại Bruxelles. Trong một lễ Giáng sinh tại nhà thờ Saint Lambert, đáp đền ơn Giáo hội đã cưu mang gia đình mình, Tiểu Ngọc đàn bài Phượng Hoàng nầy trên cây đàn tranh 16 giây. Theo lời của Phương Hà thuật lại, không biết cử tọa có cảm nhận được gì không, nhưng cha con Phương Hà đều xúc động đến rơi nước mắt. Về nhà, đêm hôm ấy, Phương Hà bắt đầu sáng tác bài thơ Nghe đàn mười sáu nầy.
Mười năm sau, 1985, nhân tiển đưa Tiểu Ngọc sang Canada du học, lúc chia tay Phương Hà bỗng chạnh lòng nhớ lại buổi Tiểu Ngọc đánh bài Phượng Hoàng tại nhà thờ Saint Lambert, nên về nhà đêm hôm ấy hoàn chỉnh lại bài Nghe đàn mười sáu nầy, chép gửi cho Tiểu Ngọc và cho giáo sư Ngọc Thanh để bày tỏ chút tình đồng điệu và tri ơn.
Bản đàn vang lên giữa khung cảnh mùa đông tuyết phủ, trong cái ngưng đọng của không gian và thời gian nửa thực nửa hư, lòng nhớ quê hương bỗng sực bừng lên, đàn theo tay em dạo khúc mơ màng, tiếng trong đục, buồn vui lẫn lộn, bén gót Huyền Trân, đau nhức một đời hoa, nhớ nước thương nhà, để lại một bản tình ca bất hủ…’
Nghe đàn thập lục
Lững thững bước em
Tuyết hoa bay luợn bên thềm
Mắt huyền thăm thẳm
Tóc huyền óng ả suối đêm
Không gian xuống thấp êm đềm
Thời gian đọng nửa hư nửa thực
Tình phương Đông bỗng vừa sực thức
Đàn theo tay em dạo Lý Tình Tang
Sau khi trình bày lai lịch bản Phụng Hoàng, tác giả hình dung lại kỹ thuật diễn tấu ở cây đàn tranh mười sáu giây qua các tiết tấu dài ngắn của các câu thơ:
Tình là tình, tình tang
Hồn hôn mê
Còn lại tiếng tơ vàng
Trong
Đục
Khúc buồn
Khúc vui rộn rã
Sau những lần móng ngón tay cái búng sợi giây đàn lên, móng tay trỏ hất xuống, với những câu thơ ngắn, cụt, thì lần lượt mỗi ngón tay gẩy lướt trên 16 giây từ nốt thấp đến nốt cao hay ngược lại (Á, arpège), câu thơ lại kéo dài ra:
Thẩn thờ em thả nhạc tình tang
Nhạc mơ màng bứt rứt xốn xang…
Kỹ thuật ghì, vuốt, nuốt, nghẹn, rung, nhấn trong cung oán thương:
Cung oán, cung thương
Thao thức những đêm trường
Ghì nghe ngón vuốt
Nuốt nghẹn ngón đan
Ngón rung, ngón nhấn
Ngón chận mưa sa
Ngón bấm ngập nợ nước thù nhà…
Ô kìa
Mười sáu con nhạn oan gia
Vương tơ tới thác chưa già!
Rồi nhạc về quê cũ, tóc ủ khúc Nam Bình, đưa hò Mái Đẩy, lẩy khóc khúc Nam Ai, đạp phách Song Lan, hướng về Lục Tỉnh nghe Vọng Cổ Hoài Lang 32 nhịp trường can bát hủ...
Bến Lức, Long An
Đồng Nai, Gia Định
A li hò lờ
Giặc vào vẫn trọn thủy chung
Như sông như nước trùng phùng
Hò là hò lờ… a li
Lý chi cho sáo sang sông
Ơn cha mẹ, nghĩa vợ chồng, sáo ơi!
Tất cả nhạc miền Nam nhập lại một khúc: Hò xang xự cống, cống xê xang hò (do fa ré la, la sol fa do).
Mười sáu giây vàng dẫn vào một giấc Lạc Âm Thiều trong khúc Nghê Thường, vua Đường say đắm Dương quí phi. Ở đây có tình yêu, có vũ, có nhạc, có gái đẹp, trăng thanh. Thôi, ở luôn đây, về trần tục sống cuộc đời bon chen phù phiếm đỏ đen làm gì?
Ô hay! Sao rượu hờn ly
Mà thôi… thôi vậy, nói chi thêm buồn.
Giặc vào bỏ Nước tay buông
Ngón ngừng, hơi nhạc còn run run hoài.
Say đàn thập lục
Nghiêng ngữa bước em
Tuyết hoa ngủ thiếp bên thềm
Hừng đông ơi, chậm lại.
Kẻo trưa chiều thương tiếc bóng đêm
Hương thơ, phấn nhạc êm đềm
(trích N.Đ.M.S.)
Nhưng lạ thay, thoát tục mà sao ở đây rượu lại giận dỗi không chịu rót ra khỏi bình? Mộng lớn kiến thiết kinh tế, kỹ nghệ cho Quảng Nam - Đà Nẵng đã không thành, gia đình phân tán, sự nghiệp tiêu tan, lại còn phải lưu vong tỵ nạn lênh đênh xứ người, Phương Hà than lên: Mà thôi… đành vậy, nói làm gì, thêm buồn lòng nhau… Giặc vào bỏ Nước, buông tay ngừng đàn, mà dư âm vẫn còn run run vang mãi. Say theo tiếng đàn thập lục, làm nghiêng ngữa bước em đi. Hoa và tuyết đang ngủ say bên thềm, thời gian hãy chậm lại, trời đừng sáng vội, làm mất giấc ngủ trong hương thơ, phấn nhạc êm đềm, kẻo sau nầy sẽ phải luyến tiếc bóng đêm.
Phải chăng đây là tâm sự u ẩn của Phương Hà: Giặc vào, Nước mất, Nhà tan, gia đình phân tán, mất tất cả, sinh mệnh, tài sản, tự do, hạnh phúc, mà chính mình bất lực buông xuôi, bỏ nước ra đi, chỉ còn mang theo cây đàn thập lục, để say mê tiếng đàn, để ru mình vào giấc ngủ tuyết hoa thiêm thiếp bên thềm, trong bóng tối. Kêu xin thời gian chậm lại, hừng đông đừng vội đến đánh thức, để khỏi trực diện với cảnh tha hương vong quốc, để giải sầu, để tự an ủi, hòa mình với huơng thơ, phấn nhạc êm đềm, với cái Đẹp thiên hình vạn trạng của Nghệ thuật.
Chuyện Hoa Hồng
Riêng bài Chuyện Hoa Hồng đã cho thấy nghệ thuật pha trộn hài hòa màu sắc và hương thơm của Phương Hà. Mỗi năm vào mùa hoa hồng nở, người lối xóm chung quanh có dịp trầm trồ cảnh tượng hàng trăm đóa hoa hồng rực rỡ, sau vườn nhà Mộng Cầm, cô con gái áp út của Phương Hà tại Vương quốc Bỉ.
Nguyên sau khi định cư ở Bruxelles, Phương Hà được trường Nam Nữ Trung học Maris Stella nhận cho một việc làm. Đối diện cổng trường, một bà góa phụ cao tuổi người Bỉ (trong giới thượng lưu quí tộc) có một vườn hồng phía sau nhà, không lớn, nhưng thật đẹp. Bà biết Phương Hà là người tỵ nạn chính trị, nên thỉnh thoảng mời vào uống trà xem hoa. Bà ân cần giới thiệu từng cây, từng đóa hồng. Lạ lùng, thích thú, và theo chỉ dẫn của Bà, Phương Hà vừa mượn, vừa mua sách đọc thêm, để rồi sau đó trở thành người chăm sóc vườn hồng cho Bà, thay thế chuyên viên hợp đồng bảo quản… Về sau, Mộng Cầm mua nhà có vườn ở một khu vực khác, Phương Hà tha hồ vùng vẫy với một dãy hồng leo trên 10 gốc, dưới chân trải một vạt dài đong đưa gần 60 gốc hồng bụi, hương sắc ngạt ngào.
Nhưng đối với nhà thơ, mỗi loại hồng (tên viết đậm) là một nàng tiên có màu sắc, cốt cách, tâm tình đặc thù của mình:
Thuở mới biết yêu đương
Pescali tương tư màu nguyệt bạch
Kề Virgo tán tỉnh chuyện tâm tình.
Marlène Lily biết mình nhung gấm
Nhìn Joséphine suy gẩm buổi giàu sang
Chiêm ngưỡng long nhan Elisabeth nữ hoàng
Cao cả nghêng ngang, ngai vàng hồng ấm...
Amoureuse, Love You
Rồi Pour Toi, Fémina
Nghe như lời tình tự
Thì thầm, êm ả, vấn vương...
Quên sao được Baccara gái má hường
Chưa thấy mặt đã thẹn thùa khép nép
Không như Paulette se sua, xấu, đẹp
Chân dài, môi mỏng, chỉ đòi yêu
Đài các diễm kiều là Rothschild nữ tước…
… Ôi, ôi… thế giới các người
Sao lắm nỗi mê điên…
Mỗi dạo hoa về
Bầy tiên tràn trề hương sắc
Duyên nợ chơi vơi
Từng đóa nâng niu phó mặc chuyện đời
Nhưng bỗng dưng, không chờ không đợi
Mà giông bão đến, từ đâu?
Và mưa nào mới lại?
Đứa vũ phu phàm tục THỜI GIAN
Ghen tuông, cuồng nộ, sỗ sàng
Đang tay vùi dập gái hồng nhan?
(trích C.H.H.)
Mỗi một nàng tiên đại diện cho một loài hồng mà Phương Hà đã phàm nhân hóa. Các nàng tiên nầy, kẻ thì chỉ đòi yêu đương, thẹn thùa khép nép, tương tư, tán tỉnh chuyện tâm tình, kẻ thì se sua xấu đẹp, suy gẫm buổi giàu sang, cao cả nghêng ngang… Cả một thế giới mê điên, tràn trề hương sắc, từng đóa nâng niu, phó mặc chuyện đời trong duyên phận chơi vơi, mà thời gian bất thình lình, cũng không ai biết được từ đâu đưa đến một cơn giông bão hãi hùng, như một phàm phu tục tử ghen tuông, cường nộ, sỗ sàng, sau cùng là đan tâm vùi dập.
Phương Hà chạnh lòng trước thân phận các cô gái xinh đẹp đam mê, điên loạn, nạn nhân muôn thuở của thời gian. Thời gian có khi xoa dịu được khổ đau, thì trái lại, chính thời gian đã khiến cho các cô gái lỡ thời hoa tàn nhụy úa, cho bao cặp vợ chồng bị cái cảnh sinh biệt tử ly, cho bao mỹ nhân chịu số hồng nhan bạc mệnh, cho những mối tình lỡ làng vì không cùng gia thế, tín ngưỡng, hay trình độ văn hoá, tuổi tác…
Phương Hà đòi thời gian chậm lại (như ta đã thấy trên đây), để hài hòa với hương Thơ, phấn Nhạc của Nghệ thuật nói riêng, của cái Đẹp nói chung, đẹp hình dáng, đẹp tư tưởng, đẹp tâm hồn, đẹp trong tình người, đẹp trong tình bạn keo sơn chung thủy, đẹp trong nỗi niềm nhớ nước thương nhà…
Phải chăng đây có thể là một lối thoát mà nhà thơ Phương Hà đã chọn, trước thực tại nghiệt ngã, trước số phận trớ trêu, trước giấc mộng bình sinh kiến thiết vùng Quảng Nam - Đà Nẵng cho thịnh vượng hùng cường, bị tan vỡ, trước bao nhiêu tàn khốc mà định mệnh và thời gian đã dành cho những kẻ tài ba, tâm huyết.
Tác phẩm của nhà thơ Phương Hà
Tổng quát
Tuyển tập của Phương Hà gồm có 123 bài thơ, viết ra trong thời gian lưu vong, tại các trại tỵ nạn và tại Bỉ quốc, từ 1978 đến 2009, ghi lại những cảm nghĩ, tình tự của anh trước những biến cố buồn vui, bất thường đã xảy ra cho chính mình, cho con cái, cho bạn bè, cho đồng bào, và cho cả các thành phần nhân loại mà anh có dịp gặp hay biết đến, trong dịp thăm viếng khá nhiều nơi trên thế giới, như các nước Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Đức, Áo, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Gia Nã Đại v.v.
Có thể coi Tuyển Tập của Phương Hà như một tập nhật ký bằng thơ theo thứ tự thời gian. Đây là những tiếng nói từ đáy lòng thốt ra, chân thành, tha thiết, viết cho bản thân tác giả, đồng thời cũng ngụ ý viết cho con cái, bạn bè, cho những người mà anh thương xót, yêu mến hay ngưỡng mộ gần xa. Thơ của anh tuy chỉ trình bày một vài trường cá biệt trong một đoạn đời, nhưng luôn luôn khiến cho ta nghĩ tưởng đến sự thương đau chung của Con người, nạn nhân muôn thuở của ham muốn chiếm hữu và của chế độ độc tài tàn bạo bất nhân. Như Victor Hugo đã từng khẳng định: Khi tôi nói về tôi tức là nói về anh đó!
Thơ của Phương Hà bài nào cũng dài, cho nên cũng khó cho chúng tôi khi trích dẫn để minh họa, trích ngắn, không đủ ý, trích dài thì quá lòng thòng dễ bị chán mỏi. Một nan đề mà chúng tôi không biết thế nào giải đáp cho thích đáng được. Mong quí độc giả thông cảm và lượng tình cho.
Ngoài ra, thơ của Phương Hà lời trực nhiên thốt ra như loại văn chương truyền khẩu hay văn xuôi thông thường, không nắn nót, không gò ép, có đoạn lại không có vần, lại dùng các từ của thổ âm Quảng Nam. Giá trị thẫm mỹ thi ca về văn pháp trong Tuyển tập nầy thế nào, chúng ta sẽ nhận xét cặn kẽ hơn ở phần sau dưới đây.
Các bài trong Tuyển Tập có thể phân chia thành bốn nhóm (phân chia có tính cách tương đối vì có những bài thuộc về hai hay ba nhóm khác nhau). Đó là những bài viết vào các giai đoạn:
1. Thời chiến nói nhiều về tình cảm gia đình, 1979 và về sau (23 bài)
2. Đổi đời nói về giao cảm thời sự, 1979 và về sau (57 bài)
3. Hoàn cảnh nói về tình cảm phiêu lưu, 1985 về sau (25 bài)
4. Đối tượng Cộng sản, trường kỳ chống đối (18 bài)
1- Thời chiến (tình cảm gia đình)
Nguyễn Thanh Bích đã tự cho mình làm nhựa lót đường cho từng đứa con dặm trường chân êm ả (Ngày tàn, b. 23). Như thế, trước hết anh phải đặt một kế hoạch cho gia đình vượt biên thật chu đáo: Không đi chung với nhau, sợ nếu bị tai nạn, cả nhà có thể bị tiêu diệt hết, nên nhờ bạn bè cũ đưa từng đứa con riêng rẻ để tìm đường trốn ra ngoại quốc; trắc trở sẽ có chỗ liên lạc. Bích người đi cuối cùng, có thể xoay xở cứu vớt. Anh đã theo dõi từng đứa trên con đường vượt biên, viết cho mỗi đứa một hay nhiều bài thơ an ủi, chia xẻ những nỗi lo lắng, vui buồn tâm sự với nhau, luôn luôn giữ chặt sự liên lạc tình cảm giữa cha con, giữa Bích với tất cả con cái dù định cư ở địa phương nào.
Năm 1978, khi đưa đứa con trai 14 tuổi nhờ người dẫn đi vượt biên, Phương Hà có mấy câu khích lệ, an ủi:
Đi đi con! đừng ngó lại
Cũng đừng sợ hãi
Dầu biển Đông đang sục sôi gầm thét
Dầu tha phương thân bé bỏng có lạc loài
Cũng đừng để lệ tràn khóe mắt
Vì chia tay nào không ruột thắt gan bào
Nhớ thương nào chẳng gặp lại lúc chiêm bao…
(Đẩy con xuống biển, 1978 b. 2)