Lần lượt ba người con khác tiếp tục vượt biên, nhờ bè bạn cũ dẫn dắt, phân tán mỗi đứa một nơi, đã lâu mà chưa có tin tức, Phương Hà, bồn chồn, lo lắng:
Lòng đau như dao cắt
Lao đao bấy tuổi đầu…
… Bốn phương con về đâu…
Bơ vơ sớm dãi dầu…
Niềm đau chi ai oán
Mỗi đứa chừ mỗi nơi!
(Lạc con trên đường tỵ nạn , 1979, b.5)
Phương Hà đã chia xẻ nỗi lo âu, buồn nhớ với con trai mình, một sinh viên vừa mới ra trường, người yêu cũng bị lạc mất không biết ở nơi đâu?
Biển Đông mắt chớp lệ tràn
Ra đi một thuở để mênh mang sầu
Cổng trường song cửa… biển dâu
Vòng tay chưa ấm rời nhau vội vàng…
(Dung, 1979, b 6)
Thời gian sau, trải qua một vòng trái đất, hai người bất ngờ được gặp nhau lại, Phương Hà đã ghi niềm vui sướng tuyệt điểm của cuộc tái ngộ hi hữu nầy qua mấy câu thơ:
Bốn năm dài luân lạc
Câu chuyện tình kết thúc giữa đêm nay
Đốt hoa đăng, hương lòng bay ngây ngất
Rượu long lanh, đuôi mắt rủ mời say
Đốt hoa đăng, cùng say nghiêng ngửa
Cạn chén nầy, ly nữa… say không em?
(Cao điểm một cuộc tình -1982, b. 28)
Nhưng biến cố đau đớn nhất trong đời của Phương Hà là hai đứa cháu ngoại gái sơ sanh lâm nạn cùng chết một lần. Anh viết một loạt bài về các nỗi khổ tâm của con gái, mẹ của hai đứa bé, khi vượt biên một mình, đau buồn trong biệt ly:
Em đi chẳng kịp trao lời
Anh về, nhớ lại quảng đời đôi ta
Cổng trường quán nước, thơ, hoa
Ngàn năm há dễ có ta không chàng
(Thương Thương, 1978, b.7)
Được tin hai cháu tử nạn, Phương Hà vội vã chạy đến…:
Rồi không biết
Tôi chạy, tôi đi, hay tôi bước
Đường không xa, sao sóng nước đò giang
Hào hển tới nơi, mắt rách hai hàng
Bủn rủn, kinh hoàng, tôi chết điếng
Hai bé nằm kia
Thôi lên tiếng
Thôi cười đùa, thôi nũng nịu, ông… ông
(Hai con chim nhỏ bay rồi, 1979, b.73)
Ngày vu qui của cô gái áp út, người đã từng đồng lao cọng khổ với cha sau ngày 30.4.1975, Phương Hà bùi ngùi cảm hứng viết mấy đoạn bốn câu, nhẹ nhàng lời âu yếm, mà nặng trĩu tình nghĩa cha con:
Ngày em học trò
Tóc vờn lưng nhỏ
Áo trắng tương tư
Phượng đỏ sân trường
Ngày em biết thẹn
Vũng nón bài thơ
Gió qua hò hẹn
Không đợi không chờ...
Tuổi thơm em vàng ngọc
Hoa bướm rộn đương thì
Giờ vui chữ vu qui
Thơ tôi làm... ai đọc?
(Tóc tơ, 1986, b. 45)
Cuối cùng, với người con gái út, anh nhắc lại một kỷ niệm xa xưa trên hải đảo, khởi đầu cuộc hành trình lưu vong gian khổ của gia đình đi tìm Tự Do, giá đắt hơn cả trăng sao:
Buổi ấy con đâu biết
Bước lưu vong nghiệt ngã đến chừng nào
Con cũng đâu có biết
Giá Tự Do đắt ngàn lần hơn cả trăng sao
Một dạo theo chân con
Dỗ buồn trên hải đảo.
(Tình cô gái út, 1990, b. 96)
2- Đổi đời (giao cảm thời sự)
Nguyễn Thanh Bích cũng như hầu hết những người lưu vong tỵ nạn đều trải qua giai đoạn “đổi đời” nhiều khó khăn, giao động, thử thách, mau hay lâu tùy theo hoàn cảnh mỗi người.
Riêng về trường hợp của Bích, như đã trình bày ở phần trên, tại Việt Nam, anh đã từng là đại phú gia, Chủ tịch Phân bộ xuất nhập cảng của Phòng Thương Mại Đà Nẵng, và sau ngày 30 tháng tư 1975, Cộng sản chiếm Saigon, Bích bị tịch thu hết tài sản, bị giam, ra tù, vượt biên lần thứ ba mới thoát, rồi được Bỉ cho định cư tại Bruxelles vào cuối năm 1979. Trên con đường đi tìm Tự Do, Bích coi như đã chết đi sống lại. Anh đau xót nghĩ đến hàng triệu đồng bào còn kẹt lại. Tại Bỉ, anh không muốn ở không, ngửa tay lãnh tiền phụ cấp, nên quyết tâm làm một nghề nào để tạm thời sinh sống: rửa chén bát cho tiệm ăn, lau chùi cửa kiến cao ốc, giao hàng cho hảng trang trí, đứng bán hàng cho tiệm tạp hóa, chăm sóc người cao tuổi… nhưng không bao lâu, tìm được một việc về ngành quản trị tổng quát tại trường Trung học Nam Nữ Bỉ Maris Stella, tương đối nhàn nhã hơn.
Ra đi, trên tay chỉ còn một cây bút nhỏ để ghi lại những nỗi buồn vui theo vận nước tình người cho khuây khỏa tấc lòng:
Thuở qua (*) bị đời bạc đãi
Em nói với qua trăm vạn lời thương
Tình ta sáng thanh thiên bạch nhật
Tim nghe đau gió bão trùng dương
Em theo qua cơ cực đoạn trường
Để tình xưa không lỗi hẹn
Ba mươi năm sau
Ân tình xưa chưa lỗi hẹn
Nhưng tay ngón nhỏ giờ đây lau nhà rửa chén
Bóp phù du bóng vỡ tim đau
Quét hư ảo thương tình sau nghĩa trước
Thúy Kiều ơi, khi sa cơ lạc bước
Lầu xanh nào không nát ngọc trôi hoa
Lũ chúng ta, hề, nay tứ xứ là nhà
Hạ thành sầu, hề, trong men rượu thi ca.
(Cây bút nhỏ, Liège Đông 1979, b. 20)
Rồi khi quá công phẩn, đau khổ, giờ đây (1979) ba đứa con vượt biên bị tản lạc chưa biết về đâu, đứa con trai khóc người yêu mất tích, con gái khóc lạc chồng, ngày trở về quê hương ngàn trùng xa cách, cả một trời nhớ thương tha thiết, Phương Hà muốn chấm dứt cuộc đời, ý nghĩ ấy anh ghi lại qua mấy giòng viết bên bờ sông Meuse (Liège, Bỉ):
… Bởi vì anh kẻ lưu đày biệt xứ
Nhớ quê hương hùng cứ một phương Đông
Bát ngát bao la, sông Cửu, sông Hồng
Đã mất rồi tất cả, em biết không?....
Tương tư - qua, em - sông Cửu, sông Hồng
Nơi sóng dạt trùng trùng vạn đại
Nhìn lại bên nay trời… thì em ơi,
Em chỉ là em thơ dại
Mà nơi đây em nung lại nỗi nhớ thương
Ray rức ruột gan từ dạo lên đường
Lưu đày biền biệt
Rồi có thể
Một đêm nào không nguôi nhớ tiếc
Anh sẽ cùng em vĩnh viễn ủ cho nhau
Đôi linh hồn vơ vất cạnh bờ lau
(Sông Meuse, Xuân 1980, b.21)
Những khi đau thương, rũ liệt, Phương Hà đã nghĩ đến chết và trối trăng:
Khi Ba chết
Tụi con đừng khóc lóc
Máu thịt nào không quyến luyến xót thương
Sống, thân đem làm nhựa lót đường
Cho từng đứa dặm trường chân êm ả.
Khi tôi chết
Người tôi yêu xin đừng ân hận
Bởi sinh thời gây khổ cho tôi
Bao tham vọng thắt vòng lận đận
Yêu, hờn, thương, giận như mây trôi…
Mộ của ta
Đắp nghiêng về cố quốc
Đặng ta nhìn cho đỡ nhớ
Và ăn năn một đời lầm lỡ
Dại khờ đã để mất quê hương
Vĩnh biệt nầy cho tất cả người thương!
(Ngày tàn, Xuân 1980, b.23)
Tâm sự của Phương Hà ngổn ngang trăm mối. Làm nhựa lót đường cho mỗi đứa con, anh phải lo thế nào cho tròn; trăn trở với “người yêu ” (vợ anh), nhưng anh vẫn yêu đương, làm sao hòa hợp với nhau lại; gia tài khánh kiệt, ở một nước nhỏ như nước Bỉ có cách gì làm giàu như ở Việt Nam như xưa; ăn năn vì dại khờ để đánh mất quê hương rồi, biết bao giờ khôi phục lại được? Với một tâm sự đa đoan như thế, Phương Hà không còn lòng dạ nào để các thú ăn chơi của các hộp đêm phương Tây lôi cuốn, mê hoặc đến quên cả nước cũ, người xưa.
Tóc thơm vàng như lúa mới Hậu giang
Gành Nha Trang mắt em xanh thăm thẳm
Rượu đầu mùa chỉ làm môi thêm thắm
Vượt trùng dương đâu chết đắm trong mắt em?
Mà thôi, đừng nhìn tôi như vậy nữa
Với lửa tập trung của hai mươi tinh thể
Em đem về chưa nhen nỗi đam mê
Của kẻ hằng đêm chỉ trông đợi ngày về …
Buổi trao tay xao xuyến ánh trăng rằm
Xưa tuổi ngọc lỡ cùng nhau nguyền ước
Dẫu sa cơ nay làm thân mất nước
Nợ ba sinh sau trước chỉ một lần.
(Đêm phương Tây, 1981, b.26)
Chúng ta lưu vong tỵ nạn không phải chỉ để chìm đắm trong khoé mắt giai nhân xứ người, cũng không phải vì sa cơ lỡ bước mà quên rằng “Nợ ba sinh sau trước chỉ một lần”. Nhưng khi định mệnh hay cái nghiệp đã đến, thì kẻ ngay tình cũng có thể trở thành nạn nhân đáng thương hơn là đáng trách. Với Bích, đó là ngày, sau 5 năm ở Bỉ, Tiểu Ngọc theo mẹ sang Canada.
Ra đi giông bão ngập đường
Dừng chân từ đó, hoài hương từng ngày.
(Từ đó, 1985, b.35)
Dù sao, Bích không quên được mối tình đầu. Đã bao năm qua, anh vẫn vướng vít với những kỷ niệm thơ mộng ngày xưa, vẫn mong chờ tình yêu ban đầu trở lại:
Ngó lên Trung Phước, Đại Bường
Gió chiều đổi ngọn (*) người thương đi rồi.
Người trăm năm xứ Quảng
Ly loạn đẩy về đâu
Cố hương trông mỏi mắt
Tuyết rụng bạc mái đầu
Em ngàn thương xứ Quảng
Lang bạt giờ nơi đâu
Dặm chiều nghe hiu hắt
Se sắt buổi thương đầu…
… Nhớ em đâu kể đường xa
Duy Xuyên phủ Điện tắt qua Vạn Bùn
Giặc vào một thoáng tay buông
Gió thềm trăng cũ sương tuôn võ vàng…
Em ngàn thương xứ Quảng
Hun hút chiều tha hương
Xa xuôi Trung phước, Đại Bường
Trăng mờ thềm lạnh, người thương không về
(Tình cũ, 1988, b.66)
Đã bao năm qua, anh vẫn thường xuyên gửi quà biếu người yêu xưa và năn nỉ:
Em ơi, mười lăm năm dang dở
Anh ở, em đi
Tình ngày xưa mình đâu còn giữ được gì
Thôi thì
Thà em làm người em gái
Để anh ngồi theo dõi bước em đi
Và để hàng năm
Khi thiên địa giao linh thời tiết đủ chu kỳ
Anh lại gói quà gửi cho em gái
Kỷ niệm cuộc tình
Như còn vương mãi đâu đây.
(Người phương xa, xuân 2002, b.103)
3- Hoàn cảnh (tình cảm phiêu lưu)
Một văn hào Pháp đã từng nhận xét: “Tất cả các cuộc phân ly, dầu đã mong ước nhất, vẫn có cái buồn của nó” (Toute séparation, même la plus souhaitée, a sa mélancolie). Trong bài Bướm Hoa, Phương Hà hư cấu một câu chuyện, (nhân vật chính được gọi bằng từ “gã”). Sau khi người yêu xưa (mà gã cho là đã “gây khổ” cho mình), bỏ nhà ra đi, gã sống một mình, lại vẫn cảm thấy nhớ tiếc những buổi sánh đôi với người yêu ngày trước. Gã liền hướng về phương Đông, quì ba ngày sám hối, xin thứ tha tội lỗi ở phương Tây. Tiên an ủi: Phàm nhân là thế đấy. Thôi, cho yêu… để nhẹ án lưu đày. Rồi Tiên hóa phép cho gã xem kiếp trước, gã là một con bướm vàng trong Vườn Hoa Bướm bốn mùa vui thú, nhưng vì quá say mê luân vũ bay liệng với bầy hoa, bị Tiên đuổi ra khỏi vườn, đày xuống trần thế thành một gã làm thơ.
Lạnh đầu mùa chợt thương ngày nắng hạ
Sống một mình tiêng tiếc buổi sánh đôi
Đi cho cố để lạc loài trên đất lạ
Tìm xuân đâu cho hoa lá đâm chồi?
Bèn về Đông quỳ ba ngày sám hối
Xin thứ tha tội lỗi ở phương Tây
Tiên an ủi: Phàm nhân là thế đấy
Thôi cho… yêu, để nhẹ án lưu đày.
Lại hóa phép rọi cho xem kiếp trước
Xưa tiền thân con hoàng điệp nhởn nhơ
Mê luân vũ với bầy hoa hương nhụy
Tiên giận đày thành một gã làm thơ...
Một hôm gã mộng thấy mình trở về Vườn Hoa Bướm, gặp lại các hoa, không biết vì đâu mà bị hương tan nhụy rã, dầu vậy gã vẫn gục xuống và nâng lên từng đóa, nếm mùi tình yêu qua các dục cảm của thân xác, qua những nụ hôn gai rạch nát thịt da. Những phút đam mê đó, ra về gã thương nhớ suốt ba đêm:
Rồi một hôm gã mộng du về chốn cũ
Đường hương bay chen lẫn hương lòng bay…
Chỉ ước mơ một lần qua vườn cũ
Để hương hoa gặm nhấm đến điên say
Nghiêng gót mỏi ngập ngừng bên cổng lạ
Em đây sao? Trong hoang phế điêu tàn
Ai làm em đến hương tan nhụy rã
Hay em buồn bởi duyên nợ dở dang
Gã gục xuống và nâng lên từng đóa
Nụ hôn gai chừng rạch nát thịt da
Đam mê đó - dù em đau cánh rã
Thuở hoa đơm, thuở lá biếc ngọc ngà
Giờ sắp điểm gã ôm hoa từ biệt
Hẹn mãn đày sẽ về lại bên hoa
Chút hương nhụy vô tình lưu trên má
Mang về, gã thương nhớ suốt ba đêm.
Nhưng một cơn gió lạnh kéo gã về thực tại, gã tỉnh dậy, giờ mộng mị giai nhân đều tan biến. Hiện tại, chỉ còn cái tình yêu trần thế dục cảm thân xác, cũng đam mê hứng thú nào có kém gì. Đối với gã, tình yêu trần thế, như sông ngòi gọi biển, đến một lần cũng rên siết cả thịt da, cũng huơng da gặm nhấm, cũng điên mê, cũng lịm dần trong tê điếng.
Rồi, mặc cho bướm hoa gọi réo, cho Tiên kêu phóng thích, gã vẫn không trở về. Bỏ cõi Tiên, gã quyết định ở lại trần gian:
Cơn giá buốt kéo gã về thực tại
Trả gã về góc quán nhỏ lưa thưa
Vẫn đất lưu vong đầu gành cuối bãi
Rượu tràn ly lây lất tháng năm thừa
Yêu trần thế như sông ngòi gọi biển
Đến một lần rên siết cả thịt da
Hương tóc đây má áp với tay ngà
Bấu xé nữa, bứt lưng ra từng mảnh
Yêu trần thế lịm dần trong tê điếng
Cũng hương da gặm nhấm, cũng điên mê
Gã ở lại - mặc bướm hoa gọi réo
Dầu Tiên kêu phóng thích cũng không về.
Bỏ cõi Tiên… gã ở lại… không về.
(Bướm hoa, Thu 1987, b. 56)
Bỏ cõi Tiên, ở lại, không về. Đó là quyết định mà Phương Hà đã chọn trong Nghe đàn mười sáu và Chuyện Hoa Hồng trên đây. “Giặc đến, bỏ Nước, buông tay ngừng đàn, mà dư âm vẫn còn run run vang mãi làm nghiêng ngữa bước em đi, dìu đưa vào giấc mộng trên thềm hoa tuyết, hài hòa với hương Thơ, phấn Nhạc của Nghệ thuật nói riêng, của cái Đẹp nói chung...”
Trong Bướm Hoa, phần nào cũng giống như trong bài Fleurs du Mal (Những đóa Hoa của điều Ác) của Baudelaire, Phương Hà, đã lấy HOA để tượng trưng, và cũng có một tâm trạng căng thẳng như nhà văn hào Pháp, là đong đưa chia xẻ giữa cái Spleen buồn chán với các lý tưởng thanh cao, và ngay trong một miền Tiên với nhau, giữa các quyến rủ mê ly của mộng mơ với những nỗi thất vọng chán nản khi hoa tàn mộng vỡ. Cuối cùng, cũng như Beaudelaire, Phương Hà đã quyết định vượt lên trên những gì tầm thường trong miền Tiên, cõi Tục, để tìm an ủi với những thú vui trong Nghệ thuật, với cái Đẹp muôn vẻ, muôn màu, giúp nghệ sĩ thăng hoa, thi vị hóa những thực tại hằng ngày.
***
Bản tính của Phương Hà rất nhiều tình cảm. Tình cảm riêng tư ấy nếu giải bày tràn lan qua những hình ảnh dẫn khởi, (Đêm phương Tây, b.26; Trường hận, b.30; Sông Meuse, b.21; Ngày tàn, b.23 …) đó là thơ trử tình (trử: chứa) hay lyrique. Nếu những tình cảm riêng tư ấy lại buông theo tưởng tượng và nhạy cảm để đưa đến khuynh hướng thoát ly, mơ mộng, (Chuyện Hoa Hồng, b.91 ; Bướm Hoa, b.56; Nghe đàn mười sáu, b.38…) và tìm đến cái đẹp trong những gì cá biệt độc đáo, thì đó là thơ lãng mạn hay romantique (lãng: sóng, mạn: tràn lan, lãng mạn: tình cảm tràn lan như sóng vỗ). Và những cái đẹp của những gì cá biệt độc đáo ấy, trong Tuyển tập nầy không phải là không có.
Đẹp! Lãng mạn ở chỗ Phương Hà thi vị hóa tất cả mối tình thoáng qua, để chân thành rung cảm trong hiện tại, để nhớ nhung mơ màng ôm ấp trân trọng những kỷ niệm vui đẹp sau khi chia tay, cho nên ở mỗi mối tình nào, ngày xa nhau cứ ngỡ đó là mối tình đầu:
Nếu phải chiều mai là ngả rẽ
Sớm nay viết sẵn lời chia tay
Đường dài hôm sau dù quạnh quẽ
Có nhung có nhớ thoáng chau mày
Nếu phải từ mai làm xa lạ
Thì đời còn chi đẹp nữa đâu
Buổi gặp gỡ hoa duyên lùa bốn ngả
Ngày xa nhau cứ ngỡ đó tình đầu
(Tóc mai, 1987, b. 60)
Đẹp! Lãng mạn trong mối tình dang dở với một cô gái phương Tây trên xa lộ đèn vàng…
Xa lộ đèn vàng
Dẫn anh ra biên giới
Trăng 16 ngọt ngào đứng đợi
Dắt anh về lũng cũ thăm em
Hai mươi năm lưu lạc…
… Em ạ
Thôi đừng bịn rịn
Rồi ra cũng lại chia tay
Cám ơn đuôi mắt tối nay
Theo về cuối ngõ chân mây chiều tà
Nụ hôn rạch nát khoảnh da
Mai về xứ bạn nhú ra thơ tình
Nhà em ở cách hành tinh
Biết làm sao gửi thơ mình cho em
Trăng đâu mà trải bên thềm…
… Carolina
Chút tình dang dở
Carolina
Em ơi, em ở đâu rồi?
(Carolina, xa lộ 19, b. 67)
Đẹp! Lãng mạn qua mối « tình câm » với một nữ nghệ sĩ tài ba…
Trở lại thăm đây lá
Lần nầy thôi, từ giã
Lỡ thương rồi để bụng
Cho tình mình thủy chung
Lá đứng cao một chỗ
Tôi lãng tử tà tà
Hai đứa đều có khổ
Nhưng đều không nói ra
Tôi không phải bạc tình
Nhưng đường dài vô định
Đừng buồn nha, ở lại
Thương mãi… lá biết rồi
(Lá rừng, Thu 1987, b.59)
Đẹp! Trong cái nhìn đầy cảm thông. Lãng mạn ở chỗ Phương Hà, một hôm trên đường đến Đan Mạch (Danemark) gặp bà góa phụ Ph. Thị. V. cùng là nạn nhân của “đổi đời” giống nhau, đôi mắt nhìn nhau, mà niềm giao cảm vẫn không bộc lộ…
Mặt đối mặt nhìn nhau mà chẳng nói
Bóp con tim để đừng trao tiếng gọi
Sợ vô tình giao động cụm mây thơ
Rồi gai ốc nổi như tình đầu buổi nhỏ
Rồi thì thầm bên gối…
Mộng đơn sơ
Với đủ nhớ nhung, thờ thẩn đợi chờ
Tình đâu có đẹp khi còn dang dở
Mộng một chiều trang trải nợ Thi Vân
Để quên đi đau nhức chuyện mây Tần
(Vân Thi, tháng 7 1987, b.50)
Ngay trong một bài thơ về tình yêu dục cảm thân xác, duy nhất trong Tuyển tập nầy, (Christina, tháng 10, 1988, b. 61) cũng có cái vẻ đẹp của nó. Đẹp ở chỗ lời thơ tuy hiện thực, nhưng trang trọng, không một từ, một hình ảnh thô bỉ, khinh nhờn, trái lại, yêu nhau theo dục cảm thân xác mà tình thương lại gắn bó sống chết với nhau một cách tha thiết, thật là thơ mộng đáng cảm thương.
Trong tay nàng đêm qua tôi lặn hụp
Sóng trường giang nụ hoa trôi đôi búp
Hồn ngất ngư mặc đất sụp trời nghiêng
Nàng lôi tôi từ đáy vực ưu phiền…
… Hương da ngà phà qua tôi nóng hổi
Sục sôi rồi ngàn độ những yêu mê
Bứt tháo tung nút thắt với khuy thề
Nàng lễ mễ rượu đào dâng chén ngọc…
… Tôi tham lam hôn hít đến say mờ
Giao trọn nàng thân xác lẫn hồn thơ
Mặc nàng nâng niu chiều chuộng
Tấu ơn dày thần Cupidon (*)
Xin mũi tên xuyên ngực tử thần
Cho cả hai cùng chết
Bằng đường tình qua hết mấy hành tinh
Không cần chi đậu lại
Theo đường tình đưa nhau bay mãi mãi
Làm đôi sao Trống Mái cuối Thiên Hà
Đêm đêm buồn xẹt xuống ghẹo Sao Sa.
Christina! Christina!
(Christina, tháng 10 1988, b. 61)
Nhưng những mối tình thoáng qua, dù đã được thi vị hóa, cũng như ma túy, không đòi chung thủy; những mối tinh dục cảm thân xác có hương lòng, có hoa bướm rù rê, rồi cũng phai tàn quên lãng, đều không đem lại một niềm hạnh phúc nào cho nhà thơ, đứa con của sông hồ đất Quảng, chưa mưa đã thấm.
Lấy từng ngón tay
Xoa nỗi đau cơ hàn mỗi nơi một chút
Tâm tình thì bẻ ra từng mảnh vụn
Chia chát mỗi người một góc con tim
Chắt chiu lấy làm hạnh phúc
Tình yêu tôi không dám tìm
Bởi cứ lồng lên như giông bão…
… Như là ma túy
Không đòi chung thủy
Nhưng vòng tay lại kèm cặp vô thường
… Tôi vẫn ở bên khung vườn nhỏ
Có hương lòng, có hoa bướm rủ rê
Hương mau phai, hoa chóng tàn
Và bướm đảng trí thường quên ước thệ
Giống như chuyện đời đổi thay quá dễ
Hạnh phúc của mình tôi chẳng biết tìm đâu…
(Niềm hạnh phúc, Hè 1990, b. 92)