Cho đến khi, vì một tình cờ, hay vì duyên nghiệp, Phương Hà bắt liên lạc được với một bạn gái quen nhau từ thời gian sinh hoạt thanh niên chí nguyện tại Đà Nẵng, hiện nay lao động ở Đông Đức. Sau ngày bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, hai bên hẹn nhau, nàng chui qua lỗ hổng để gặp lại Bích, người bạn thời xưa:
Anh đón em ở đây
Dưới chân bức tường Bá Linh nầy
Vừa sụp đổ
Em chui qua lỗ hổng
Về với tự do
Ba ngàn ngày, ba ngàn khoảng trống
Chim trời cá nước từ nay…
Thấy anh mái tóc bạc màu
Em bỡ ngỡ
Gần mười năm thương nhớ
Làm sao mà biểu không già.
Anh cũng xót xa
Suối tóc em ngày xưa óng ả
Soi bóng mình tìm thấy trăng sa
Vóc ngọc da ngà
Đổi đời sao rối bù, lam lũ
Nỗi nhọc nhằn tàn tạ lom lem
Còn bàn tay em
Phấn trắng bản đen, giáo án ướp mềm
Mười năm trên bục giảng
Để rồi lao động Đông Âu
Nức nẻ cong queo nghe đau từng ngón…
… Mà thôi em ạ!
Ngẫng mặt lên đi
Anh lau nước mắt
Để ý làm chi những điều vụn vặt
Vốn dĩ vô thường
Gặp lại nhau đây trăm vạn lần thương
Ú đọng trong tim đầy ắp
Nước mắt hôm nay không để khóc
Mà để mừng tự do đang mọc
Khắp bốn chân trời
Lùa hung ác ngu si vào bóng tối
… Và ai cấm tụi mình tiếp nối
Mộng ngày xưa…
Thấy chưa?
Sao lưa thưa trong mắt em hực sáng lên rồi.
(Sao trong mắt -16.06.1990, b. 97)
Bạn cũ gặp lại nhau thôi, một bụm hôn dài mười năm bù lại… Và cũng như bao nhiêu mối tình thơ mộng, mối tình không bao giờ tính toán, bỗng một hôm cả hai thấy lòng đều xao xuyến lâng lâng, đang thanh thản trở nên “phức tạp”, và cuối cùng nhận thấy “tình mình rực sáng tựa sao rơi… tình đến lúc nào không biết”:
Như những chuyện tình thơ mộng
Tự ngày xửa ngày xưa
Là đưa nhau lên đồi thanh tân
Tìm hương hoa sữa
Ướp đến mềm môi
Nghe lòng xao xuyến lâng lâng
Tình đem cho lúc nào không biết nữa
Nợ cỏ tiên phải cởi áo tháo giày
Như những cuộc tình không tính toán
Hoa ngây thơ theo bướm bụi bờ
Lạc vào thăm thẳm rừng thơ
Khỉ ho cò gáy
Nghe giòng suối chảy, yêu nhau
Để rồi từ đó
Lòng thanh thản trở thành phức tạp
Bởi lá ngàn cứ dòm ngó nhỏ to…
… Cho nhau, rồi thôi
Không hối tiếc
Hai đứa ngu ngơ đơn chiếc trên đời
Nghe tình mình rực sáng tựa sao rơi…
(Tình mình, 17-07-1990, b.98)
Mười năm sau, nàng về quê thăm gia đình, vì hoàn cảnh, Phương Hà không cùng đi được, lúc chia tay, ôn lại thời gian cách biệt xa xưa, cho đến ngày tìm gặp lại nhau, ơn tri kỷ, nợ tình đầu, đời có nhau rồi khuây khỏa chuyện bể dâu, chàng cảm khái mầy dòng tiễn đưa:
Câu chuyện tình ngày xưa
Đưa em qua vương quốc Bỉ
Núi hiểm sông sâu
Trùng trùng vạn lý
Tìm gặp lại nhau
Ơn tri kỷ nợ tình đầu
Đời có nhau rồi khuây khỏa chuyện bể dâu...
… Chiều nay
Đường trên cao nguyên lồng lộng
Anh thấy em sải cánh bay
Phương trời - nơi chôn nhau cắt rốn
Ai ra đi lòng không đau xốn
Lẫn lộn vui buồn anh trao gửi theo em.
(Mười năm, 12-11-2000, b.114)
***
Gần suốt cuộc đời, đẩy đưa trên trường tình yêu đôi lứa, trải qua bao nỗi niềm đam mê, lạnh nhạt, lọc lừa, hiểm hóc, chúng ta mới nhận thấy được cuối cùng chỉ Mẹ mới thiệt thương con. Ngày mãn tang Mẹ, Phương Hà đã khóc Mẹ bằng mấy lời thơ giản dị, chân tình mà thật là cảm động…
Mẹ ơi, mẹ hởi
Gần suốt cuộc đời
Con mới biết không chi tha thiết
Cho bằng mẫu tử tình thâm
Thiên hạ đa phần
Hiểm hóc đẩy đưa
Nắng mưa bầm dập
Cuối cùng chỉ Mẹ mới thiệt thương con
Thế mà con hiếu đạo đã không tròn
Mẹ nhắm mắt thiếu con bên Mẹ
Nắng tắt ngoài kia
Gió chiều nhè nhẹ
Thì thầm với Mẹ:
- Tha thứ cho con
Con không muốn mãn tang mãn khó
Để Mẹ của con…
Mẹ của con mãi mãi vẫn còn
(Mẹ tôi, b.43)
Nhân ngày giỗ cha, Phương Hà nhắc lại cuộc đời của người quá cố. Như ta đã biết, Phương Hà đã cùng cha mẹ sống sáu năm trên một chiếc đò, mà chỉ một mình thân sinh anh lo việc lèo lái chống chèo. Lớn lên anh nghe kể lại ông tổ là người Đàng ngoài, trên một chiến thuyền vào Nam, bị đắm, tấp vào làng Phương-trì, và định cư ở Đàng trong luôn. Như vậy, ông tổ hẳn không phải thuộc hạng người tầm thường, vì sao không thấy thân sinh anh nói rõ nguồn gốc cho con cháu nghe. Anh nhớ lúc nhỏ, có lần anh hỏi thân sinh « xa ông bà, cha có nhớ?» Thân sinh anh làm thinh, nhẹ nhẹ ôm anh, ngờ ngợ, một thoáng tia buồn trên đuôi mắt, ngay tối hôm ấy, quay đầu ghe mũi gác lên bến tre nhà. Ngày nay nghĩ lại anh không khỏi cảm thấy thắc mắc cha có tiếc bút nghiên? Một cái buồn về nguồn gốc bị nhốt kín, nỗi buồn nghe nằng nặng những thương cha.
Bảy tuổi
Tôi xuôi
Quê cha Phương Trì cát trắng
Cuối giải sông Thu bến sâu đò vắng
Tìm về đây nằng nặng thương cha
Không biết bao lâu xa làng bỏ xã
Theo sông hồ xuôi ngược nước trăng xa
Chiều se se ghé bến ấm lửa nhà
Cắm sào đậu nghe đà ghe sóng gõ
… Buổi đó tôi còn quá nhỏ
Để hỏi cha có tiếc bút nghiên?
Tay thư sinh làm sao chống nổi một con thuyền
Chỉ hỏi: Xa ông bà cha có nhớ…
Nhẹ nhẹ ôm tôi
Ngờ ngợ
Thoáng tia buồn khẻ đuôi mắt cha
Nửa đêm đó sào lay đỏi tháo
Ghe quay đầu mũi gác bến tre nhà
Lắng xa xa bùng dâu dập bước
Nhốt kín buồn nghe nằng nặng những thương cha.
(Cha tôi, 1986, b.42)
Tình nhân ái của Phương Hà không phải chỉ quanh quẩn trong vòng gia đình, con cái, vợ chồng, hay tình yêu đôi lứa, mà còn phát hiện qua lòng xót thương, công phẫn trước các nạn nhân bất cứ ở nơi nào.
Nạn nhân đáng thương xót nhất là đàn bà, con gái Việt bị bọn hải tặc biển Đông hãm hiếp dã man, khủng khiếp:
Em run rẩy… áo quần xé nát
Còn chi đâu trinh bạch với tuổi thơ
Còn chi đâu… hoa bướm với đợi chờ
Thân thể xác xơ, dập vùi, rách nát
Thoi thóp… ngất ngư
tiếng cười… tiếng rú
Số phận nàng như vậy đó
Một tháng chán chê vứt bỏ lên bờ
Lê lết xin ăn, về khu tị nạn…
(Trường hận, 1981, b. 30)
Hàng tuần, trên TiVi, cả thế giới hàng triệu con mắt trân trối nhìn các em bé Ethiopie, đang lần lượt chết đói… đếm không xiết được:
Tối qua
Trên Ti Vi màu rực rỡ
Tôi thấy em trán rịn mồ hôi
Mắt lờ đờ
Bám từng hơi thở
Quơ sức tàn nhúch nhích bộ xương khô
Cạnh em
Đứa em của em mới chết chưa kịp xuống mồ
Lệ em khóc trông như đông lại…
… Em có biết không?
Nơi đây hàng chục triệu con nguời
Nhìn trân trối chiếc thân hình khẳng khiu hiu hắt
Với từng đốt xương muốn xé toạt cùi da
Em ơi, nhân loại rất đổi xót xa
Nhưng đành bất lực…
(Em bé Éthiopie, 1984, b.33)
Nhất là thảm kịch của thế kỷ 20, ngày 13-11-1985, núi lửa Nevado del Ruiz bừng nổ, một trận bùn lũ lụt tuôn tràn làm thiệt mạng 22 ngàn người trong số 31 ngàn dân làng Armero ở nước Colombie (Nam Mỹ). Trong suốt mấy ngày liền, các máy truyền hình chiếu lên màn ảnh cho khắp thế giới xem một em bé gái tên Omayra Sanchez, 13 tuổi, nhà sụp, bị kẹt trong bùn đợi người đem máy bơm hút bùn đến cứu. Bùn đã lên tận cổ, mà máy bơm hút chưa đến.
Sáu mươi giờ hấp hối
Đôi chân kẹp dưới bùn sâu
Chôn em tới ngực
Đồng loại của em bất lực
Chẳng cứu được em
Trăm triệu con ngưới tròn mắt ngồi xem
Từ từ bé chết…
… Omayra, Omayra
Những hàng châu lã chã
Từ hố thẳm tình thương
Khắp năm châu bốn bể
Cuồn cuộn đổ về
Đưa tiễn…
Nhưng trước khi chết, Omayra đã nói chuyện và nhắn gửi: Mẹ ơi, thương quá!
Thông điệp của bé nói lên nhiều quá
Bé hỏi buổi học có còn?
Trong ngôi trường gục ngã.
Bé hỏi mẹ, hỏi cha?
Bé thì thầm: Tình mẹ bao la
Mẹ, mẹ ơi, thương quá!
(Thương, Giáng sinh 1985, b. 41)
Omayra! Em đã nhắm mắt rồi, em có thấy được những giọt nước của nhân loại đã lã chã rơi để muôn vàn thương xót em? Em bé Omayra ơi, em có ngờ đâu em đã nhân danh tất cả Thiên Lương (là Lương tâm Trời đã phú cho) của Con Người đúng với danh vị của mình, để khẳng định rằng:
Con người cho đến chết vẫn nói “ Thương ”
(Bài thơ “Thương” nầy đã được ngâm trong đêm Giáng sinh 1985 tại nhà thờ Saint Lambert, Bruxelles, Bỉ và đăng trên Đặc san VN Tỵ nạn Bính Dần, Vườn thơ Hội ngộ Cali tuyển tập, đã được chuyển ngữ sang Pháp văn để đăng trên Club des Colombiens, Croix Rouge Inter, trên Công Báo của chính phủ Colombie)
4- Đối tượng Cộng sản
Bên cạnh những bài về tình yêu lãng mạn, tượng trưng ra, các bài thơ chống Cộng phần nhiều thuộc về tự sự, thuật lại những việc đã xảy ra mà anh đã trực tiếp chứng kiến hay gián tiếp qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, kèm theo vài lời suy tư của anh về thân phận của dân Việt lưu vong, tỵ nạn Cộng sản, về nỗi niềm thương đau chung của con người, nạn nhân của ham muốn chiếm hữu và của các chế độ độc tài. Thơ chống cộng của Phương Hà phản ảnh cả giai đoạn bi thương của dân tộc. Từ hiệp định Paris đến những gì đã xảy ra sau đó trên đất nước và trên thế giới: bức tường Bá Linh sụp đổ, các nước Đông Âu thoát ly gọng kềm cộng sản của Liên Xô, thành trì đế quốc đỏ sụp đổ, đều được Phương Hà ghi lại trong các bài thơ trong Tuyển tập nầy.
Đối với phần đông người vượt biên hình ảnh khủng khiếp của các trại cải tạo vẫn đêm ngày dằng dai ám ảnh:
Ở trại tỵ nạn
Đêm đêm tôi ngẩng mặt lên trời
Hỏi sao Bắc đẩu
- Sao hiền lành sáng rực -
Thấy hay không những hỏa ngục trần gian
Kỳ Sơn, Tiên Lãnh, vùng Gulag...
... Đã bảy năm
Nhân loại cầm đầu vẫn giả đui giả điếc
Chí chóe khoe nhận dăm trăm ngàn người tỵ nạn
Trong khi đun hàng triệu khác vào lò hủy diệt
(U uất, 1982, b. 4)
Cũng như Hiệp định Paris là một văn tự bán đứng nước Việt Nam đã làm cho anh công phẩn đắng cay:
Hiệp định Paris… Ôi Hiệp định Paris
Bốn năm thai nghén
Một tối đẻ đau
Xấu hổ ngàn năm không rửa sạch
Bán máu buôn xương
Paris tủi nhục
Kiến trúc Triomphe sầm tối
Tháp Eiffel cúi gục
Toa rập tập đoàn chúa ngục Bắc Việt Mafia…
Vì ai, 20 triệu Miền Nam trải thịt phơi da
Vì ai, 80 vạn người quốc gia bức tử!
(Hiệp định Paris, 1979, b.8)
Mùa đông năm 1980, một em gái Bỉ tại công viên bên bờ sông Meuse, thoáng gặp anh, đã biết ngay đây là một người lưu vong đang buồn rầu nhớ tiếc quê hương. Phương Hà có dịp bày tỏ nỗi niềm u uất trong tâm hồn, mong vơi bớt nỗi buồn tha hương tỵ nạn của mình:
Phải. Buồn như vậy đó em ơi
Em, có bao giờ em biết được
Quê hương anh một nước Việt Nam
Mấy ngàn năm văn hiến
60 triệu người, nội chiến 30 năm
Chống Cộng sản ngoại lai bạo ngược
Xâm nhập cùng vũ khí Tàu Nga
Để rồi hai mươi lăm triệu người miền Nam
Chừ đây mất nước tan nhà
Mang cội nguồn giống dòng bất khuất
Liều mạng mình cho biển cả ra đi
Phân nửa, lòng đại dương đời đời an nghỉ
Kẻ sống còn ôm mãi hận sanh ly
…Ô kìa, người em gái Bỉ
Công viên d’Auvroy nở muộn đóa hoa quì.
(Xanh màu mắt, Liège Đông 1980, b.17)
Mùa thu 1981, hai năm sau khi định cư tại Bỉ, Phương Hà viết bài Lửa thác lời một chiến sĩ tuyên bảo chúng ta: - Nầy đây, tôi giao lại thân xác tôi để đốt lên làm đuốc chính nghĩa, lửa trường chinh dẫn lối cho anh em. Tôi trao lại cho anh, và hỏi anh từ đâu tới? -Thưa: Kẻ nầy từ Trường Sơn đến, mà hùng thiên sông núi đẻ ra. Chiều chiều, mẹ rưng rức mấy câu hò, biểu tôi: Nước mất nhớ phải lo! Nay mẹ nạt tôi: Nước mất sao chẳng lo? Mãi ham chi cái phù du cát bụi, quên mình đang sống cuộc đời thui thủi lưu vong. Đổi da vàng ra trắng được hay sao?
- Từ Trường Sơn
Từ sông Hậu, sông Tiền diệu vợi
Hùng thiêng sông núi đẻ ra tôi.
Sữa Cửu Long nuôi tôi từ thuở bé
Cát biển Đông lót nhẹ dưới lưng nôi
Đồng miền Nam mớm gạo tám thơm, thơm nức
Chiều, mẹ ru rưng rức mấy câu hò
Biểu tôi rằng: - Nước mất nhớ phải lo!
Nay mẹ nạt tôi rằng: Nước mất sao chẳng lo?
Mãi ham chi cái phù du cát bụi
Quên cuộc đời thui thủi đứa lưu vong.
Một ngàn năm, mũi vẫn tẹt, mắt đen tròng
Một triệu năm tóc cứ đen màu kinh rạch
Là người Việt sao mà thử thách
Đổi da vàng ra trắng, hỡi con ơi!
Thưa: Cúi lạy mẹ, con xin lỗi. Nhớ lại rồi giòng giống Việt Nam bất khuất, mũi hít hương say nồng Nam Hải, tai nghe gió hú đỉnh Lang Biang, tiếng gông cùm đồng đội uất hờn vang dội. Im sao đành! Khi máu rỉ ướt quê hương, nước mắt ngập đại dương, đốt lửa đuốc lên đi! Ta cháy ở đâu cũng được. Bất cứ nơi nào cũng diệt cộng hung ác, gian tham, tiêu hủy vạn trại giam, nhất tề giải phóng Bắc, Trung, Nam…
Cúi lạy mẹ, con xin lỗi
Nhớ lại rồi, giòng giống Việt Nam
Giống bất khuất, kiên gan…
Âu Lạc Hồng Bàng. Và giờ đây
Mũi lại hít hương say nồng Nam Hải
Tai giỏng nghe gió hú đỉnh Lang Biang
Mà đâu đây rổn rang tiếng gông xiềng
Của đám anh em ngày đồng đội!
Tiếng uất hờn đâu đây vang dội
Quê mẹ chừ, ôi quá đổi tang thương
Im sao đành
Khi máu rỉ ướt quê hương
Nín sao đành
Khi nước mắt ngập đại dương?
Đốt lên đi! Cứ đốt lên đi!
Tôi cháy ở đâu cũng được:
- Trước Liên Hiệp Quốc
- Ba Lê hay Nữu Ước
Hoặc bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam
Cùng diệt Cộng, lũ côn đồ hung ác gian tham
Chặt xích xiềng, tiêu hủy vạn trại giam
Nhất tề giải phóng Bắc, Trung, Nam
Hành quân thôi,
Lửa dậy bốn phương rồi!
(Lửa, mùa thu 1981, b. 25).
Tám năm sau, 1989, bức tường Berlin sụp đổ là một dịp để Phương Hà được hả hê nhận thấy đế quốc Cộng sản bắt đầu tàn rụi:
Em gục xuống là điều phải lẽ
Bỡi dối gian có tồn tại bao giờ
Hai mươi tám năm cuộc đời quá trẻ
Số phận nầy chung cuộc một vết nhơ
… Em đứng đó bức tường tù ngục
Gợi niềm đau ô nhục cho thế gian
Dưới chân em đã bao người ngã gục
Sau lưng em một vùng đất kinh hoàng
(Bức tường Bá Linh,1989, b.82)
Sau đó, Phương Hà có dịp đến tận Đông Âu, chứng kiến cảnh nhân dân vui mừng nô nức hoan hô “Dân chủ, Tự do” sau bao năm tháng năm dài chết chóc, tang thương dưới chính thể độc tài:
Hồi mới tới
Tôi kể chuyện Cộng sản nước tôi
Em không tin
Nay biến cố Roumanie, sửng sốt em nhìn
Đỏ mặt, mím môi kêu trời ơi đất hỡi
Trợn mắt nghiến răng em đào em bới
Nào vợ chồng Ceausescu quỷ ám
Nào Securitas bầy kên kên
Để rồi nước mắt trào lên
Hết thốt nên lời…
Sau biến cố Roumanie được giải thoát:
Là như thế đó… và như thế đó
Tội nghiệp em tôi bé nhỏ
Giờ đây mới mở mắt ngó quanh
Mi chớp chớp màu mắt xanh như ngọc
Biết khóc rồi… thiên hạ bớt lầm than
Bi kịch câm đến lúc phải hạ màn.
(Chuyện Cộng sản, tháng giêng 1990, b. 85)