Lời giới thiệu
                                       Người Làm Thơ Vì ‘Tai Nạn’ (?)

Người tôi viết về thơ nơi đây, khiếu thơ nở muộn. Ðến tuổi bốn mươi; mới làm thơ; chính chàng không
nghĩ mình là nhà thơ, cũng không thích được gọi như thế.  Khởi đầu, có thể « Chàng làm thơ vì ‘tai
nạn’ » (!)…  Nhưng rồi, thơ tiếp tục được chàng ‘khai sinh’, ‘đăng ký hộ tịch’ nơi các báo hải ngoại,
được khắp nơi ngưỡng mộ, mặc nhiên trở thành ‘nhà thơ’ ngoài ý nghĩ của chàng.
Trước 1975, Phương Hà -bút hiệu của chàng- không, hay chưa làm thơ hoặc chỉ làm ‘chơi’ đôi bài rồi
tự nghĩ rằng ‘thơ mình không đáng gì’ nên không nhớ, không lưu. Chàng rời bỏ ‘nghiệp văn’ để lặn lội
vào kinh doanh.         
        
Sau 30/04/75, chàng được chế độ mới (Cộng sản) ‘chiếu cố’, ‘tuyên dương’ là ‘tư sản mại bản’ với
năm tội danh, đặc biệt là « cột trụ Kinh tế Ngụy » và « Làm giàu trên xương máu nhân dân ».  « Cột trụ
kinh tế Ngụy », có thể đúng vì từ 1968, chàng được đắc cử do phổ thông đầu phiếu vào Hội Đồng quản
trị Phòng Thương mãi Công Kỹ nghệ thành phố Đà Nẵng suốt hai nhiệm kỳ, đảm trách Chủ tịch Phân bộ
Xuất Nhập cảng của Phòng nầy mà địa bàn hoạt động từ Bến Hải đến Phan Rí (Thuận Hải), cố vấn Bộ
Kinh Tế VNCH, nghiên cứu phác họa những dự án, những chương trình Kinh tế địa phương.  « Cột trụ
Kinh tế Ngụy », đúng, vì chàng đã từng tiếp xúc, trao đổi với các phái đoàn Công Kỹ nghệ ngoại quốc,
đặc biệt là Nhật Bản và cho rằng, Việt Nam với bờ biển trên hai ngàn cây số, riêng giới hạn từ vĩ tuyến 17
đến Cà Mau, chỉ cần ‘thò’ tay vào biển ‘bốc, hốt’ là ‘hải hà vô lượng’ tài nguyên cho đất nước và nhân
dân.  Vì thế, chàng đóng góp một vai nhỏ trong việc vận động thành lập Trường Đại Học Cộng Ðồng
Đà Nẵng, chuyên lo về mặt nầy, cả về dầu khí, nhằm đào tạo chuyên viên kinh doanh, làm giàu cho đất
nước về mặt hải sản và nhiên liệu cùng lâm sản.  « Làm giàu trên xương máu nhân dân », lời buộc tội
nầy chỉ là gán ghép, vu cáo vì sau 1975, chẳng người dân nào a dua theo Cộng sản để lên án chàng, mà
sau khi chàng ra tù, chàng lại được vô số người dân mừng rỡ, thăm viếng, hỏi han cùng đôi lúc giúp đỡ
chàng.  Trong lúc bị thẩm vấn, chàng đã hỏi quản giáo: « Thế nào là tư sản mại bản?  Tại sao Tư sản
mại bản lại là tội? ».  Tên Trần Thi, Công an từ Hà Nội vào, giải thích khá kỳ quặc: « Như anh là Tư
sản mại bản, là có tội ».

Với những « trọng tội » (?) trên, chàng được chế độ mới « mời » đi ‘học tập cải tạo’ không cần biết
ngày về.  Bấy giờ tại Quảng Nam, có nhà tù ‘Tiên Hội’ (Tiên Lãnh), là nơi hội tụ ‘quần tiên’, cả nam cả
nữ, cả trẻ cả già, những loại ‘Tiên’ bị đày vì ‘phạm tội’ với Ðảng Cộng sản.  Ðủ mọi loại ‘Tiên’: quân
nhân, công chức, chính trị gia, cha cố, sư sãi, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, thương gia, kỹ nghệ gia,
kể cả bao loại ‘Tiên’ nông dân, công nhân mình trần thân trụi được Cộng sản phong tặng là ‘phản động,
phản cách mạng’ vì đã cả gan không quy phục dưới lá cờ máu của họ.  Thật tội nghiệp cho chàng, tội
nghiệp cho tất cả, nhất là những kẻ lâu nay quen sống với cái đầu.  Quả cái đầu làm hại cái xác.  Cái xác
thì Cộng sản ưa dùng, chứ cái đầu, chúng không ưa, lại còn chủ trương phải phá cho nát đi.  Hơn nữa,
chúng đã tự phong là ‘đỉnh cao trí tuệ’ của loài người rồi nên đâu còn cần đến cái đầu của ai, vả những
cái đầu không thuộc loại ‘đỉnh cao trí tuệ’ của chúng thì chúng còn mạt sát, tìm cách làm tiêu hủy đi. 
Sau một năm tù, xác chàng gầy guộc, cái đầu cũng tong teo.  Trong gian lao, khổ cực, đọa đày bất tận
bỡi những kẻ cùng ‘giống loại’ như mình, cùng xuất phát từ ông Tổ Hùng Vương hàng năm nghìn năm
trước, cùng máu me, xương xẩu, ruột thịt giống nòi nhưng giờ nầy không còn một chút ‘máu đồng bào’
trong tim, cái xác chàng tan nát  nhưng chàng -cũng như phần lớn bao người - còn giữ được chiếc đầu
nguyên vẹn, nghĩa là giữ được cái phong thái trượng phu, thà chết chứ không cúi đầu khuất nhục.  Cán
bộ họ Hồ (HCM) không thể cưỡng bức nổi chàng cùng bao kẻ giả từ chất xám để hoàn toàn trở thành
đất sét cho chúng dùng xây dựng trại giam chung thân khổ sai cho toàn dân cả nước.  Trời còn thương. 
Chàng đã không rỉ sét trong lao tù Cộng sản.  Sau một năm, bất ngờ chàng được trở về với bầu đoàn thê
tử giờ nầy cũng nheo nhóc, xác xơ.  Chàng được Cộng sản thả, có lẽ vì chúng đã tước đoạt được hết tài
sản, thấy không còn gì khai thác thêm hay do một dụng ý thâm độc nào khác.  Cái đầu lại trở lại chỉ huy
cái xác.  Để tránh có thể bị bắt đi tù trở lại bất kỳ lúc nào, chàng ‘ra đi’. Đất nước bị giặc cưỡng
chiếm thì chàng đành phải mất quê hương.

Chàng vượt biển.  Chàng ra đi, tìm lại Tự Do. Hai lần vượt biển, thất bại, bị tù.  Lần thứ ba, may
mắn thoát khỏi hải phận VN vào ngày 18/12/1978.  Hải trình nguy hiểm. Gần tám ngày đêm lênh đênh
biển sóng, vừa cạn giọt nước sau cùng thì bão đánh hư tàu…  Chiếc tàu tàn rụi lắc lư chồng chềnh trôi
dạt vào một hải đảo heo hút thuộc Nam Dương đúng vào nửa đêm Giáng Sinh. Mấy ngày sau, tàu Hải
quân Nam Dương ra tìm, đưa vào một đảo lớn hơn, Tanjung Pinang, nơi có trại tỵ nạn tạm dung đầu tiên
của Liên Hiệp Quốc là trại UNGAT.

Từ ngày đặt chân lên trại Tỵ Nạn, cuộc đời chàng qua một khúc quanh: sau lưng là quê hương ngút
ngàn thương nhớ; trước mặt là tương lai vừa ảo tưởng vừa mơ hồ; hiện tại là tự do tràn đầy, chất ngất dù
chưa biết ngày nào sẽ được định cư.

…Hành trang mây trắng trăng treo
Thù nhà, nợ nước nặng đeo bên mình…
(P.H.)

Chàng bắt đầu viết lách, làm thơ.  Thơ ‘chống Cộng’ của chàng ra đời, chống quyết liệt, thẳng
thừng, không nhân nhượng, không bóng gió, úp mở.  Ở đảo, chàng tình cờ đọc được báo « Người Việt
Tự Do », lập trường chống Cộng do ông Trần Cảnh Tuấn chủ trương ở Tokyo; bên cạnh tờ báo còn có
mục thơ của ‘Hồng Diệp Thi Xã’ nên chàng gởi thơ cọng tác. Từ đó, thơ chàng được các nơi lưu ý và
được đăng trên hầu khắp báo chí hải ngoại.  Lúc đầu, chàng lấy bút hiệu ‘Lục Bình’, sau đó bạn bè
đồng trại thích bút hiệu Phương Hà hơn nên chàng đổi lại.  (Bút hiệu Phương Hà là do ghép tên hai ngôi
làng quê nội  « Hà Mật » và « Phương Trì »).
Chàng và gia đình xin tỵ nạn tai Mỹ nhưng chờ đợi Lãnh Sự Quán xin chỉ thị hơi lâu (vì người con gái
và hai cháu ngoại  - một đứa 2 tuổi rưỡi, một đứa mới 3 tháng rưỡi - không có tiêu chuẩn, phải chờ Bộ Di
Trú Mỹ đặc cách du di) nên chàng gõ cửa Tòa Đại Sứ Bỉ (vì có con gái du học ngày trước, đang mong
sum họp với gia đình) và được tỵ nạn tại nước nầy vào cuối năm 1979 (trước khi phái đoàn Mỹ trao lệnh
của Chính Phủ Mỹ chấp thuận cho toàn thể gia đình được sang Mỹ). Ở Bỉ, chàng làm đủ mọi nghề: rửa
chén bát cho tiệm ăn, lau chùi cửa kiếng cao ốc, khuân vác tại hảng trang trí, đứng bán hàng cho tiệm tạp
hóa, bán báo trong một sạp vệ đường, chăm sóc một ông già 80 tuổi,…  Sau cùng làm việc tại trường
Trung Học Bỉ  Maris Stella cho đến ngày về hưu.
Tại đảo và tại Bỉ, chàng làm thơ và thơ ra đều đều.  Tại Bỉ, chàng làm thông tín viên với bút hiệu «
Lĩnh Nam » và cung cấp thơ cho các báo Việt khắp nơi trên thế giới nơi có người Việt định cư: Úc,
Nhật, Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Mỹ, Hòa Lan, Đức, Canada, Đan Mạch,…  Lúc bấy giờ, từ 75 đến 1986, 1987,
người tỵ nạn chưa đông, lại còn bận lo ổn định đời sống, lo thích ứng với nếp sống xứ người, lo học
tiếng ngoại quốc,…  người viết lách không nhiều nên thơ chàng có ‘đất dụng võ’, được các báo đăng
liên tiếp.  Đến nay, thơ chàng trên trăm bài, trong đó có thơ chống Cộng, và thơ tình cảm; tất cả hai thứ
được phổ biến trên báo chí độ 80%.   Một số được đăng đi đăng lại nhiều lần, một số được dịch sang
Pháp và Anh ngữ.  Chàng không tập trung để in thành ‘thi phẩm’ vì chàng không có ý nầy.  Đến nay, do
con cái yêu cầu, chàng mới giao cho chúng tự lo liệu.  Tôi đã định viết về thơ chàng từ năm 1992 nhưng
rồi quanh quẩn lo in một số sách cùng bận rộn việc biên khảo về mặt tư tưởng nên đã dừng lại khá lâu. 
Thêm nữa, chàng thấy không cần thiết, khuyên tôi dành thì giờ cho chuyện khác.  Nay do các con chàng
muốn in thơ chàng thành ‘thi phẩm’ để lưu niệm nên tôi viết bài giới thiệu và cũng để chuộc lại cái lỗi
‘thất hứa’ với chính tôi.
Như  nói trên, Phương Hà làm thơ vì ‘tai nạn’, ghi lại tai nạn của chàng, của gia đình, con cái, của bè
bạn, của đất nước, của đồng bào và của chung nhân loại suốt thời gian dài trực tiếp hay gián tiếp phải
nhận ‘trầm luân’ vì chủ nghĩa và chế độ Cộng sản bạo tàn, gian manh, xảo quyệt. Chàng đã đến khá
nhiều nơi trên thế giới: Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Đức, Áo, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thụy Điển, Đan
Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ, Mỹ, Gia Nã Đại, cả vùng Đông Đức những ngày bức tường ô nhục Bá Linh sụp
đổ. Nơi đâu hồn thơ cũng lai láng, luôn luôn nói lên thảm cảnh người dân dưới chế độ Cộng sản; nơi đâu
cũng thấp thoáng hình ảnh đau thương của nòi giống Việt cùng nỗi hờn căm chế độ bất nhân. 
         
Trong khoảng thời gian từ 1979 đến 1986, thơ chống Cộng của Phương Hà có thể xem là
những đóng góp mở màn cho « trường thơ tỵ nạn » của người Việt nơi hải ngoại; đến nay đã quá
phong phú để cùng bao nhiêu trước tác về các thể loại khác, đã tạo nên một « Nền Văn Học Việt Nam
hải ngoại », một ‘thực thể’ không thể nào phủ nhận.  Lịch sử Văn Học Việt Nam sau nầy sẽ phải ghi
nhận và đánh giá dòng Văn học hải ngoại nầy.  Và thơ văn của lớp lớp người tỵ nạn như Phương Hà sẽ
trở thành ‘sử liệu’ cần thiết cho những nhà nghiên cứu văn học và lịch sử dân tộc về một giai đoạn vô
cùng bi thương cùng vô cùng bi tráng của giống nòi Hồng Lạc.  Bi thương vì bao đọa đày, vì bao mất
mát, điêu linh của nhà, của nước; bi tráng vì dù lệ đổ, máu tuôn vẫn hiên ngang không khuất phục, không
dung tha tội ác bán nước buôn dân của tập đoàn cầm quyền mị dân, man trá, giả hình.
Thơ chống Cộng của Phương Hà cũng như thơ văn chống Cộng của bao người Việt tỵ nạn
Cộng sản có thể xem là những  ‘văn thi liệu lịch sử’ cần thiết cho các thế hệ mai sau nhận định
một giai đoạn lịch sử đã qua, không để hiểu theo cách viết sử mà là để ‘thẩm định’ lịch sử qua
văn chương.
         
Nhà thơ không chỉ ‘nổi loạn, phản kháng’ trước mọi bất công, oan khổ đối với riêng mình mà chung
cho cả mọi người, chung cho cả một tập thể lớn rộng.  Thơ Phương Hà đề cập đến những ‘khổ nan’
chung của dân tộc, đất nước, của cả phần nhân loại đau thương.  Dù có chỉ nói riêng về một ‘cảnh đời’
cá nhân mình hay gia đình mình, nội dung thơ Phương Hà luôn luôn khiến ta nghĩ tưởng đến đau thương
chung của ‘con người’ bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời đại nào khi một thứ ‘giống người’ không còn bộ óc và
trái tim người ngự trị thế gian.
Thơ Phương Hà không do từ những xúc cảm dạt dào của ‘nồng độ’ yêu đương tình ái, cũng không
do cảm thức về nỗi cô đơn, thảng thốt của thân phận làm người, không mang màu sắc triết lý xa xôi. 
Thơ của chàng khởi đi từ hiện thực của cuộc sống chính mình, những thảm nạn của gia đình và dân
nước, nói lên những phẫn nộ, hờn căm đối với lớp người hung tàn, quỷ quyệt.  Thơ Phương Hà mô tả
những hiện thực ‘khốc liệt, tang thương’ chung đó, vừa nói lên những uất nghẹn của mình vừa lên án lớp
người đã gây ra bao đoạn trường ghê khiếp cho con người, cho nhân loại.
         
Phương Hà làm thơ vì ‘tai nạn’.  Qua nội dung thơ chàng, người viết tạm phân chia thành 4 loại tai
nạn: Tai nạn nhà, Tai nạn nước, Tai nạn người Tai nạn tình. Sắp xếp theo từng loại ‘tai nạn’
nên xin không tuân theo thứ tự thời điểm sáng tác.
Dùng từ ‘Tai nạn’ nơi đây, có thể không mấy ổn. Nhưng, nghĩ cho cùng, bất kỳ sự việc nào gây cho
ta khó khăn, gian khổ, buồn đau, bi lụy, tức tối, giận hờn, chống đối hay chỉ u sầu, trăn trở, hối hận, ăn
năn,…  thì cũng là ‘tai nạn’ đến với ta tùy mức độ nhỏ, lớn, tầm tác hại ít hay nhiều,…  Vậy nên, bảo
rằng ‘Phương Hà làm thơ vì tai nạn’, nghĩ ra cũng không phải ‘khó nghe’.  Hơn nữa, những gì xảy đến
đã khiến nhà thơ quằn quại trong khổ đau để luôn luôn trăn trở, chống đối, căm hờn lại là những sự việc
có thực đã đến với Phương Hà.

Từ ‘Tai nạn’ nơi đây xin hiểu theo hai cách.  Trước tiên ‘tai nạn’ là những sự việc, những cảnh ngộ
oái oăm, ngang trái đã đến với chàng, với gia đình, với mọi người thân yêu trong dòng họ, với dân tộc,
đất nước, không tạo cảm hứng mà dồn nén đau thương, căm hận để bật lên lời ta thán hay phẫn uất thành
thơ.  Tiếp theo, ‘tai nạn’ là những cảnh đời, những tâm trạng buồn đau đã trải chịu, đã chứng kiến,
những tâm tình trao gởi,  làm dậy lên niềm giao cảm chân thành, dâng tràn cảm xúc cho thơ.
Thơ Phương Hà, dù là thơ chống Cộng hay thơ tình tứ, bài nào cũng sáng giá, cũng có thể, theo người
viết,  được xem là ‘xuất sắc’ không chỉ về ý, về tình mà còn về lời, về chữ.  Không có tính cách ‘cách
tân, dung tục’ nơi đây, cũng không có vấn đề ‘bình mới rượu cũ’ hay ‘bình cũ rượu mới’ khi phẫm
bình, đánh giá thơ chàng.  Nơi đây ‘bình muôn đời’‘rượu muôn nơi’‘Chân, Thiện, Mỹ’ kết hợp
nơi từng bài.  Mà ‘Chân, Thiện, Mỹ’ thì cũ, mới, xưa, sau gì cũng là ‘Chân, Thiện, Mỹ’.  Không hoa hoè
hoa sói, không trang trí, điểm tô, không vẽ vời làm dáng kiêu sa, không dụng công tìm lời, tìm ý.  Con
nguời vốn dĩ không muốn làm thơ mà thơ tự nhiên đến nên những gì hồn nhiên nhất, chân thành nhất, thật
thà nhất kết thành thơ qua những lời dung dị, mộc mạc, chân phương; thơ như kể chuyện, như dàn trải
tâm tình , bộ­c phát thái độ, như nhỏ to chuyện vãn.  Cái  đẹp, cái hay nằm ngay nơi tính chất chân thành,
bình dị đó.
Xin dàn trải tâm tư chàng qua từng loại thơ theo từng ‘tai nạn’ vừa kể, nhưng chỉ xin giới hạn một số
bài cho từng loại vì không thể nào kể hết (và phần nào để khỏi trùng lặp với bài viết của Giáo sư Võ Thủ
Tịnh cũng in trong tập nầy - GS Võ Thủ Tịnh có ngỏ ý với người viết  là sẽ viết về thơ Phương Hà qua
những giai đoạn của cuộc sống chàng và chú ý phân tích phần nghệ thuật thi ca của tác giả).  



| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |