*Bài thơ nào cũng ngát thơm tình dân tình nước; bài thơ nào cũng phong nhụy nghĩa mẹ công cha; bài
thơ nào cũng xót thương thân phận mình, thân phận nước; bài thơ nào cũng hừng hục lửa đấu tranh, cũng
căm hờn bạo lực, bạo quyền đang đè đầu bóp họng nhân dân. Từ người tù ‘cải tạo’ lê lết thân mòn, từ
từng người, trẻ già lớn bé, sống dở chết ương nơi thủy lợi hay vùng kinh tế mới, từ người cha lạc cháu,
người mẹ mất con, người vợ lạc chồng, người thân làm mồi cho cá biển,… mọi cảnh tang thương đều
được phản ảnh qua thơ Phương Hà. Thơ đau, thơ khổ, thơ buồn, thơ xót thương, sầu tủi, thơ của con
tim nồng ngát yêu thương và sục sôi thù hận, căm hờn. Ðau đớn sao cảnh đồng hương bị làm mồi cho
hải tặc! ‘TIM’, nàng đi tìm lại trái tim người. Nàng đẹp ‘Nàng thật đẹp vào hàng hết sẩy, Nếu có tên
nào chơi ngang thọc gậy, Không chắc chi tôi giữ được nàng…’. Thế mà, ‘Bị hải tặc đốn rồi trên đảo
vắng hoang vu, Kẻ thân thương đã vùi thây đáy nước mịt mù, Nàng ở lại bầm giập kiếp tù, Tại Thái
Lan qua nhiều ổ điếm’… ‘Ðược cứu về nơi đất định cư,… Nàng khiếp ghê đồng loại, Từ tập đoàn
Cộng sản ác ôn, Ðến bầy hải tặc, Rồi hằng hà những tên hiếu sắc, Thân ngọc tả tơi,… Hồn thành
chai đá…’:
- ‘ít ra còn có con tim trong thân xác con người’. (Tim)
Cảnh nầy, không phải ít. Nhìn vợ, nhìn con bị hải tặc hiếp dâm mà không thể nào kháng cự. Bao kẻ
chống lại, bị chém ngang người, quăng thây xuống biển. Bao cô gái nạn nhân, may không bị bắt, đành
ôm ‘ô nhục’ theo chồng, theo con, đến miền đất lạ. Không rõ bao người tỵ nạn hiện nay, trên các
chuyến bay từ Mỹ, Úc, Pháp, Ðức, Canada,… về VN du lịch, mua vui hay chạy chọt cùng bọn tà
ma Cộng sản tìm lợi, tìm danh, có nghe chăng bao oan hồn chìm sâu đáy bể, vất vưởng về nhỏ lệ
bên tai để bồi hồi sờ ngực, xem lại trái tim có còn chăng nơi thân xác người mình?!
*‘Trường Hận’, một trường thiên đầy uất hận, khổ đau, nồng sôi ý chí kiên cường. Hai vợ chồng trẻ,
nghe lời cha ‘Thoát thân đi con, để mặc cha,… Nếu con còn bịn rịn, Bên sông nầy cha quyết định hy
sinh’. Chuyến vượt biên ‘Hai ngày trời nước,… Ðụng thuyền hải tặc..,’, thế là ‘Em run rẩy… áo
quần xé sạch,… Thân thể xác xơ; giập vùi, rách nát, Ngày liền đêm trên sóng nước mịt mù! Thoi
thóp,… ngất ngư, Tiếng cười… Tiếng rú…’, ‘Một tháng chán chê vứt bỏ lên bờ, Lê lết xin ăn, về khu
tỵ nạn…’. Người chồng, may sao, một mảnh váng trôi ngang đã cứu mạng chàng. Trại Songkhla, ‘Ðịnh
mệnh khiến xui bên giường bệnh xá, Gặp nhau, ngỡ ngàng…’ Nàng đau đớn bảo: ‘Nước mất,… thôi
rồi mất cả!’ và bảo chàng: ‘Ði đi anh,… Tổ quốc đang chờ, Cha già, em dại, bến bờ còn xa!’. Vì,
nàng bây giờ: ‘Hoa xưa giờ đã bèo nhèo, Còn đâu hương nhụy mà đèo bướm ong,… Quên đi anh,
những tia nhìn đáy mắt, Hẹn cho nhau hương sắc một trời yêu,… Nhưng hết rồi! Vĩnh biệt anh
yêu!’. Chàng đâu nỡ:
- Em… Em
Nuốt ưu phiền
Em ở lại với anh
Hai đứa mình một chung mất nước
Hai đứa mình một chung ô nhục,
Nuốt đi em
Nuốt cừu hận đang sôi sùng sục
Trui gan, luyện thép
Quyết mực trở về
Hạnh phúc của mình, niềm vui kẻ khác
Mai mốt về rồi, mất mát sá chi!
Khổ nạn tột cùng, đau thương dằng dặc! Không rõ bao nhiêu người tỵ nạn ‘một sống mười chết’ trên
đại dương, bao nhiêu phụ nữ từng bị ‘ô nhục’ như trên, có nghĩ đến tang thương của giống nòi dân tộc,
có biết phải ‘trui gang, luyện thép’ hay lại cúi đầu xin xỏ lũ tà ma để ‘xênh xang áo gấm về làng’ hưởng
lạc, tìm vui, trút thêm đọa đày lên đầu cổ nhân dân!?
*‘Chuyện chiếc áo’ cũng đau buồn, cảm động không kém. Bài thơ năm chữ, 25 câu, đơn sơ mà xót
xa lòng dạ. Một người thân thiết ở trong nước, bị bệnh, viết thư xin áo rét: ‘Thư em gởi đầu đông,…
Xin anh chiếc áo bông’, ‘Nhận thư em mùa xuân, Ðông thiên không còn nữa’,... Áo anh gởi đầu
hạ, Thương nhớ từng gút đan,… Áo tìm em cuối thu, Bao bì bong rách nát’…, nhưng rồi ‘Tin buồn
nhận đầu đông, Mực loang loáng màu hồng, Em ơi! Sao đi vội… Áo về, em biết không…!?’ Thư
xin áo đầu đông, qua bao mùa ngóng đợi, đầu đông sau, áo về thì em chết (nơi viện Bài lao). Chuyện
bình thường nhưng ai trong cảnh đó mới thấy tất cả bi thương của con người trong một xã hội nơi đâu
cũng bần cùng, khốn khổ. Ở vào thời điểm 1975 - 1988, thư từ, quà cáp ở nước ngoài gởi về bị chận lại
kiểm duyệt, lục xét, ứ đọng thường một, hai tháng, nhiều khi không đến tay người nhận. ‘Áo về, em biết
không!?’, câu thơ vừa than vừa hỏi, than và hỏi với chính mình. Câu thơ quá bình thường, lời thơ quá
nhẹ nhưng sao thắm thiết, đớn đau! Hãy hình dung cảnh đó để thấy thương người con gái nghèo kia, để
thấy lòng mình cũng đìu hiu, tan nát, day dứt ngậm ngùi.
*Ðau, buồn, thương, nhớ, giận, hờn chắt chiu từng nhịp thở. Mỗi một sự việc đơn sơ nhưng gợi lên
nỗi nước, tình nhà cũng đủ khiến chàng vui, quên sầu buồn u ám nơi đây và rực tin vào vận hội non sông
nay mai sẽ đến. ‘Ðêm Văn Nghệ Hoài Hương’ của Hội Cựu Quân nhân VNCH tại Bruxelles, ngày
05/04/86, nhìn những em bé 5 tuổi ‘cũng riu ríu nhón chân vũ như đàn chị, Tay thơ, em cũng vẽ vòng
hoa bướm, Gót nhỏ, bé cũng sè sẹ chân chim,… 5 tuổi đầu đã phục vụ quê hương’. Hình ảnh em
đem vui vào chàng: ‘Thấy mà thương! Trông thì biết, Nẻo hồi hương đã trổ lối, trao đường’. Năm
1992, ‘Bảy người tuyệt thực’, suốt ba ngày (10, 11, 12), 48 giờ tuyệt thực tại Bruxelles, đồng thời xin
chữ ký, đấu tranh đòi Nhân quyền, Tự do, Dân chủ cho đất nước, đồng bào. ‘Hơn năm ngàn chữ ký
tán dương, Của khách dừng chân thán phục bên đường’, bảy dũng sĩ kiên cường đã ‘làm ngạc nhiên
dư luận Tây Phương… Và nhắc nhở từng những ai mất nước, tan nhà’. Và ‘Những Anh Chị
chung đường’ với ‘Pénélope Ỷ Lan Người Ăng-Lê mắt xanh, tóc vàng, hò ù ơ láng cón; phụ nữ
người Nga, chị Irina, Với giọng Bắc điêu luyện, thiết tha, Bên Canada, anh John, người Âu, chữ
nghĩa thắm ra da, Dòm xem hạnh phúc tới đâu với chị Biên Hoà’, và ‘Chị Lynn người Úc, rồi chị
Daléna… Kẻ tiếng miền Trung ríu rít, Người giọng Nam chơn chất thật thà, Phơi trải tâm tình bằng
ngôn ngữ Việt Nam ta’. Chỉ nhìn các người ngoại quốc nầy, hát, nói tiếng Việt Nam, đủ cho chàng ‘tim
ran hừng hực, nước mắt rưng rưng, Quê hương cuối trời thăm thẳm, Niềm nhớ thương trăn trở bừng
bừng’.
* Nỗi niềm đất nước, tình nhà luôn ấm ức. Lang thang, nhìn ‘Rừng Ardennes tuyết phủ’ (vùng núi
gần Liège, Bỉ quốc) như thấy ‘Mây sầu mờ quê cũ’ rồi nhớ bao vần thơ quê hương. Thơ Cố đô, Thơ
Nha Trang, Thơ Ðà Lạt, Thơ Sài-Gòn, những lời thơ, cảnh đẹp, tình nồng để ‘Ðêm đêm thầm nguyện
ước trong mơ, Thấy lại quê hương đặng đan thơ gấm vóc’. ‘Nhớ’, nhớ quá đi thôi! Nhưng bây giờ
‘Ðất không còn đẹp như lời ai nói, Tim không xanh như thưở mới thương người’ (hai câu thơ của
Thùy Dương Tử), thì thơ thế nào?
- Nhưng chợt tỉnh, Nước đâu còn cho mắt khóc
Ứa ra thơ, thơ thắt ruột bầm gan
Thơ hận sầu, thơ rên siết thở than…
(Nhớ)
Rồi người em gái Bỉ, nơi dòng sông Meuse ‘Xanh màu mắt’ nhìn người tỵ nạn lang thang, hiểu ra
ngay: ‘Người lưu vong, Vẫn thả hồn nhớ tiếc, Một quê hương, Giờ đây lận đận bên kia trời,… Mang
cội nguồn giống dòng bất khuất, Liều mạng mình cho biển cả, ra đi! Phân nửa, lòng đại dương đời
đời an nghỉ, Kẻ sống còn ôm mãi hận sinh ly’ (Xanh màu mắt).
Rồi nhạc! Nhạc Trịnh Công Sơn, ‘Nhạc trói tay rồi vuốt mắt Miền Nam uổng tử, Nhạc đẩy hàng
triệu người lang thang dật dờ thân cô lữ,… ‘Yêu Ly’, Khánh Ly, em hồ ly, em gái nhỏ yêu ly, giờ nơi
đất khách, ‘Mười hai năm thanh sắc vẫn dậy thì’, em vẫn hát nhưng ‘Giờ em hát kể lễ ngày đi, Và
ươm ngày trở lại, Tôi, tôi vẫn thương mãi mãi, Em ru buồn -Nhưng không nhạc Trịnh Công Sơn-
Cho đến chừng mô về được, tôi mới thôi hờn’ (Yêu Ly)
Cứ thế, cứ thế, sầu, buồn, đau, nhức, triền miên!
*Thơ và nhạc, nhạc và thơ, thơ yêu nước, nhạc thương nòi. Thơ nhạc quê hương rủ rê nhớ tiếc, bật
lên uất ức, hờn căm. Ðêm Văn nghệ của Cộng Ðồng người Việt tại Bruxelles năm1985, nghe ca sĩ
Nguyệt Ánh thánh thót những bài tình ca sông núi, Phương Hà xuất thần làm bài thơ ‘Nguyệt Ánh’ vô
cùng trác tuyệt:
- Mười năm không ánh trăng
Ðêm nay em về đó
Người em gái nhỏ
Tóc mây dài bỏ ngỏ ôm lưng…
Hiện thực là Nguyệt Ánh đang ca nhưng âm hưởng lời thơ đưa dẫn ta đến những gì xa xôi, trầm mặc,
ra ngoài tầm hiện thực. ‘Mười năm không ánh trăng’, vừng trăng diễm huyền, kiều mỵ, kẻ ‘bằng gia’
(ami de la maison -M. Heidegger) của tình ái, của con người, của non nước về đêm... Mười năm rồi, quê
hương chết lịm nơi quê nhà thân ái. Mười năm rồi, quê hương là chiếc bóng nơi lòng người lữ thứ, lưu
dân. Ðêm nay, trăng lại về với bóng dáng Em, với tiếng hát của Em, nhạc vàng muôn thưở ái ân thắp
sáng non nước điêu tàn, làm sống lại hình ảnh nước non nơi lòng người hiu hắt. ‘Em về đó!’, đó là đâu?
Chẳng gì khó hiểu nhưng câu thơ dìu ta vào nỗi nhớ, niềm thương cùng hiển hiện trong tâm trí hình ảnh
quê hương đang nghìn trùng xa cách. Quê hương về lại đó, sáng tươi, kiều diễm sau mười năm tăm tối,
âm u, vì Em, Em đã về với ‘Tóc mây dài bỏ ngỏ ôm lưng, Son phấn dửng dưng, Chẳng se sua là lụa,
Em yêu kiều, Em vẫn của ngày xưa’. Lời thơ giản dị, quá giản dị nhưng sao phảng phất nét màu lung
linh, huyền ảo vừa như sáng rỡ huy hoàng vừa như mộng mị, liêu trai. ‘Em về đó’, ‘có phải em về đêm
nay’ (thơ Nguyên Sa) hay ‘Có phải nghìn thu bờ mộng cũ, Nẻo về trăng trắng gái liêu trai, Trần
gian tình lạnh lòng thi tử, Em đến bên hồn, anh ngỡ ai!’ (không nhớ tên tác giả). Nguyệt Ánh, ai cũng
biết rồi, cô ca sĩ bình dị, hiền hoà, hoà đồng cùng mọi tầng lớp đồng bào hải ngoại, đem tiếng hát lời ca
truyền cảm ru ngọt tình tự nước non, tác động lòng người căm hận bạo lực, bạo quyền, nung chí chiến
đấu xây dựng cảnh đời sáng sủa, tươi vui cho đồng bào quốc nội. Cô ca sĩ đó, trong đêm nầy đã khiến
khán thính giả, trong đó có Phương Hà, nôn nao xúc cảm. Cô ca sĩ đã ‘Em mang về đây tất cả quê
hương,… Em khơi lại đây, Những ăn năn dại khờ lầm lỡ, Những cuộc đời tan vỡ bởi buông tay’.
Và chàng sôi nổi: ‘Hát đi em, Hát cho bứt bỏ nỗi sầu, Mười năm lây lất,… Những đứa như bọn qua,
Mất nước tan nhà, Băng giá sẽ bao vây trọn kiếp…, Kể chi Tầm Dương em ôi, Bến nước mất lâu
rồi…’. Cô ca sĩ đã khóc, để chàng: ‘Bọn qua đây, Lắm khi cũng thức trắng đêm nằm, Nhớ thương
quê mẹ, Ruộng lúa. Bờ tre. Ðường me. Lối xóm, Những ân tình đầu phường cuối khóm, Những
thương yêu ruột thịt tràn trề, Bỗng giặc về, Rách nát…lê thê’. Chàng thấy ‘có phải em say, Với tiếng
ca bay vút, Thả căm thù ngùn ngụt,… Nhân loại qua em thấy tay quỷ đỏ, Nhầy nhụa máu tanh,
Múa mỏ, Khua nanh, Nhân danh chi để siết họng dân lành?’. Tiếng hát và nỗi lòng cô ca sĩ đã làm
dậy lên nhiệt huyết bừng bừng:
- Ủa, sao mắt em long lanh
Rực lửa…
Rồi trống lặng
Ðàn ngưng
Âm thanh không gào nữa
Chỉ còn máu trong tim lửa đốt dậy sôi
Ngàn cánh tay lao vút để rồi
Thét cao thề diệt giặc!
… Người em gái nhỏ
Với suối tóc dài bỏ ngỏ ôm lưng
Với lửa Tin-Yêu bốc cháy phừng phừng
Nguyện hiến thân cho Tổ Quốc…
Bên ngoài mưa lất phất đã thôi rơi…
Bài thơ tâm tình mà sục sôi lửa hận. Bài thơ đẹp cả lời lẫn ý, vừa trữ tình lãng mạn vừa thắp sáng niềm
tin cùng ý chí kiêu hùng chiến đấu.
*Tháng 10 năm 1987, cũng tại Bruxelles, trong bài ‘Gặp lại’, giọng ca Thanh Tuyền, lần nữa khiến
chàng ngun ngút buồn đau, u uất cùng niềm tin tưởng vùng trời lồng lộng trăng sao của quê hương mai
nầy. Thanh Tuyền, cô ca sĩ nổi tiếng trước 75 cho mãi đến nay dù tuổi đời có theo năm tháng lên cao.
Bao bài ca ‘Mười năm gặp lại, Nửa đêm ngoài phố, Ðưa sáo sang sông, Xa quê hương, Ðồi hoa
sim tím, Tạ từ’, giọng nàng ngọt như nước dừa tươi, lời mềm như nhung lụa, như muốn nói với mọi
người: ‘Ðường chiều trăm vạn ngã, anh ơi! Hãy nghe tình em trong tiếng hát, Hãy đến với em trong
nốt nhạc, Mà âm ba quấn quít đến ngàn đời’. Và quê hương bên kia bờ đại dương, thanh bình, ấm êm
thơ mộng thưở nào lại hiển hiện trong buồng tim, khối óc. Niềm tin tưởng dâng lên để:
- Và em…, em có biết
Ðêm nay qua ánh đèn màu
Anh uống trên môi em từng hơi thở
Anh chìm trong mắt em ngổn ngang sợi buồn nức nở
Anh ôm gọn thân em trong âm hưởng ngọt ngào
Thẩy em về nơi vũng cũ trăng sao!…
Câu cuối bài thơ quá hay: ‘Thẩy em về nơi vũng cũ trăng sao’. ‘Thẩy’, động từ tiếng Quảng, có
nghĩa ‘quăng, ném, liệng’ đi, không thương tiếc. ‘Vũng’, chiếc ao nhỏ, bẩn dơ. Câu thơ như một rẫy
ruồng, vứt bỏ. Không phải thế. Mai đây, chúng anh về, đem tình thương thay cho bạo lực, đem ánh
sánh thay cho tối tăm, sẽ biến mảnh đất VN bé nhỏ như chiếc ao con trên bản đồ thế giới, giờ đây đang
sình lầy, nhơ nhớp trong tay lũ bạo tàn sẽ trở nên trong sáng như thuở nào lồng lộng trăng sao. Dù em
có tha thiết cảnh sống văn minh, hào nhoáng xứ người thì các anh cũng kéo, cũng lôi, cũng ôm tấm thân
em theo, trả em về cho mảnh đất quê hương bé nhỏ nhưng ngọt ngào tình tự nhân sinh như những bài ca
em đã hát. Câu thơ là một mỹ từ pháp, thoạt nghe như một tương phản giữa ý và lời. Thực ra, hình ảnh
tương phản nầy lại làm đậm sâu tình ý vì Em, Thanh Tuyền, ‘em yêu kiều, Em vẫn của ngày xưa’
(Nguyệt Ánh), vì Em, Thanh Tuyền, giờ đây ‘mắt em ngổn ngang sợi buồn nức nở’, và thân em mênh
mang ‘âm hưởng ngọt ngào’ của đất trời nước Mẹ. Với tâm tình đó của em, Thanh Tuyền, làm sao các
anh bỏ em lại quê người, làm sao các anh không ‘thẩy’ em về nơi quê cũ khi lũ các anh về rực rỡ màu cờ
vàng tươi xứ sở thân yêu?
*Du lịch qua bao nhiêu nước, bao nhiêu nơi, không phải để nhìn phong cảnh, để chụp đôi tấm hình mà
để trang trải, trao gởi nỗi niềm ăm ắp nơi tim. Nỗi đau nhà, ‘mất nước’ theo gót lảng du qua bao miền,
bao xứ.
- Thành Athènes, Hy Lạp, dừng chân trước tượng Nữ thần Aphrodite ‘tươi tắn dung nhan kiều
mị,… Thần hớp hồn kim cổ tu mi’, không phải để ngắm nhìn giai nhân sắc nước hương trời mà để:
- Aphrodite, Nữ Thần ôi!
Bước xuống đi thôi
Giúp tôi
Cậy phụ thân, Thần Zeus
Sấm sét ra tay xé nửa mặt trời
Gọi Arès -anh nàng- mời cùng trợ chiến
Thỉnh cho bằng được Poséidon quậy tung bốn biển
Và Héphaistos - cậu thần em ngàn đời nổi tiếng
Ðốt lửa vung chơi vũ trụ càn khôn
Ðâu lưng nhau đánh một trận mất còn
Diệt kỳ tận búa liềm quân ngụy đỏ…
(Nữ Thần Aphrodite-Mai 1989)
Rồi xị Bambas vừa cạn, ‘để xác thù ngổn ngang nằm đó’, chàng ‘theo Nữ Thần về tận đỉnh Tro-
odhos’ , nhìn lại đồng hương mình ‘thoáng xa dần trong mắt ngọc giai nhân’, vị Nữ Thần của ‘Tình
yêu bất tử’. Dưới mắt chàng, Aphrodite không còn là vị nữ thần lăng loàn, ghét ghen, đố kỵ, tranh giành
ngôi vị đệ nhất giai nhân với Héra và Athéna, đày đọa Perséphone (nữ thần địa ngục),… mà nhan sắc đó
cùng tình yêu chan chứa đó là sức sống, là sức mạnh diệt bạo trừ tà cho thế gian được cuộc sống miên
viễn an lành. Ôi, Aphrodite, Thần ơi, hãy cảm ơn Phương Hà, người VN tỵ nạn Cộng sản, đã nhìn nàng
vô cùng đẹp, đã hoàn phục nơi nàng tính thể, cái chân tính của nhan sắc và yêu đương. Hãy từ bỏ hết,
để ‘gá nghĩa’ cùng chàng đi, hỡi Nữ Thần Aphrodite, để muôn ngàn đời, nàng luôn luôn diễm lệ, để
muôn ngàn đời, nàng là ‘ân nhân’ của sự sống, để muôn ngàn đời, nàng là Tình Yêu thánh thiện, để
muôn ngàn đời, nàng là cái Ðẹp của Nghệ thuật, Thi ca. Cái MỸ phải đi đôi với cái THIỆN nơi thơ
Phương Hà, như vậy đó.
- Dừng chân ở Sevilla, Tây Ban Nha, nhân Triển Lãm Quốc Tế 1992, xem ‘Vũ Ðiệu Flamenco’, nhìn
Senorita, người con gái Espana ‘Thuở xa xưa, em đã từng mất nước, Bảy trăm năm,…’ đến bây giờ
‘em vẫn còn u uất, Hận không nguôi…’. Flamenco, một trình diễn nghệ thuật vừa hát, vừa nhảy, vừa
nhạc với đàn Tây Ban cầm và tiếng đập tay, kết hợp lối cổ truyền của dân Bô-hê-miên (gitan) với điệu
dân ca người Andalousie có truyền thống Ả Rập. Vũ điệu Flamenco có lẽ ngầm ý nhắc lại thời Tây Ban
Nha mất nước về tay Ả Rập Hồi giáo và tinh thần chiến đấu chống xâm lăng. ‘Vũ khúc Flamenco, Gọi
hồn lên đuôi mắt, Tây ban cầm réo rắt,… Gót nhỏ xung thiên cuồng nộ, Vó ngựa truy thù vang dậy
cố đô xưa…’. Phương Hà tìm thấy nơi vũ điệu nầy nỗi hờn mất nước xưa kia của Tây Ban Nha rồi liên
tưởng đến phận mình cùng quê hương bị mất về tay quỷ đỏ, nên ngậm ngùi:
- Senorita
Người em gái Tây Ban Nha
Tôi xót xa, em có biết?
Bởi đang là người mất nước giống xưa em
Ðể giờ đây lê gót chân mềm
Trên quê hương em đó
Làm cuộc viễn du
Nghe đau cho số phận quê mình….
Nhưng không, Tây Ban Nha đã vùng dậy và bây giờ là quốc gia khá phát triển so với các quốc gia tiên
tiến trên thế giới. Việt Nam ta rồi cũng thế, nay mai. Senorita, em, em đã có người Việt Nam tỵ nạn
Cộng sản chia xẻ nỗi buồn em đó và vũ điệu Flamenco có nhắc nỗi sầu nhưng chính để kích thích đấu
tranh cứu nước, với Granada ‘bản hùng ca bất hủ,… Theo em, gót vũ xinh xinh, Diệt ngoại xâm cứu
nước, dựng cờ’ (Vũ điệu Flamenco).
*Mỗi gãy đổ nơi đâu của Cộng sản cũng khiến Phương Hà phấn khởi. Chàng hầu như đã đến gần
khắp vùng Ðông Âu để ôn lại thảm cảnh các dân tộc nầy dưới liềm búa, lưỡi lê, xe tăng, đạn pháo cùng
gót giày hung bạo của Cộng sản, và để chứng kiến niềm vui của họ thoát ách bạo tàn.
- Hai bài thơ về bức tường Bá Linh. Năm 1987, nhìn Em, bức tường ô nhục mà dậy ‘Niềm đau ô
nhục’ cho cả thế gian. Bức tường chia cắt Ðông - Tây, bức tường chia xẻ tình người, một bên quỷ dữ,
thét gào giết chóc; một bên người nguời náo nức dựng đời vui. ‘Cúi mặt bước đi đầu đang suy nghĩ,
Giựt mình cụng trán bức tường điên, ‘Ô nhục’ làm sao, chặt đứt đôi miền, Ðành đoạn…, còn chi
thân vóc ngọc!’. Bức tường đó, hai năm sau (1989), ngã gục: ‘Em gục xuống là điều phải lẽ, Bởi dối
gian có tồn tại bao giờ’ (Bức tường Bá Linh). Bài ‘Bức tường Bá Linh’ đã được cô Công T. Tôn N -
HD, nữ sinh viên du học, ở lại tỵ nạn tại Ðức, vùng Bá Linh, viết thư xin chàng cho nàng dành quyền phổ
biến trước ai ai vì nàng là nạn nhân sống tại nơi đây: ‘viết về Bá Linh thì người Việt tại Bá linh phải
được đọc trước’. Bức tường đó ‘bức tường tù ngục, Gợi niềm đau ô nhục cho thế gian, Dưới chân
em bao người ngã gục, Sau lưng em một vùng đất kinh hoàng’, ‘Bởi có em nên tình qua dang dở, Bỏ
quê hương làm một kẻ lang thang, Em đứng đó để phân ly chồng vợ, Cha xa con và cốt nhục tương
tàn’. Bức tường ô nhục ngã rồi, sung sướng biết bao, vì từ nay, ánh sáng sẽ đến với chàng, với vùng trời
đất Việt:
- Em nằm xuống, đời lên hương trở lại
Cho qua về chắp nối mụn tình xưa
Nắng sớm đong đưa, chiều mưa hương lửa
Mối tình đầu trót lựa chọn Việt Nam.
(Bức tường Bá Linh)