*Cũng trong tâm trạng đó, chàng hình dung ra một cô gái -chắc là đẹp- từng ngày, từng ngày quan sát, theo dõi chàng từ việc làm đến nơi ăn chốn ngủ, đến những gì chàng viết, rồi… ‘Người tôi yêu’ (Mùa Xuân 1988). ‘Người tôi yêu’ hay ‘Người yêu tôi’? ‘Người tôi yêu’, đây là lời cô gái. Cô gái ‘xí xọn’ (?) nầy, không rõ ‘vương tơ’ với chàng từ lúc nào mà cứ tò mò theo dõi chàng mãi. ‘Có một buổi, Tôi tò mò đến xem người yêu lao động,…’, ‘Có một buổi, Tôi ghé thăm nhà người yêu trú ẩn,…’, ‘Có một buổi, Len lén vào xem nơi người yêu ngủ…’, ‘Có một buổi, Tôi trộm lật xem chồng bản thảo…’. Thấy chàng trên giàn cao ‘bụi sơn mảng tường trắng xóa’, nàng nghĩ ‘Ôi, thiên thần mắc cạn giữa trời sương?’. Nhìn nơi chàng ở ‘Mái sụt tường đen, then cài cửa đóng’, nàng than ‘Ôi, một thời vùng vẫy đây sao?’. Nhìn ‘gối dơ, chăn lệch, giày, giấy ngổn ngang’, nàng ‘rưng rưng cay mắt đôi hàng, Kiếp phong trần nghệ sĩ sao cưu mang?’. Lật chồng bản thảo, tay nương giở từng trang giấy, nàng thẫn thờ ‘Chao ôi, Viết lách gì loạn xị một chữ « Thương »… Có phải khi yêu, người ta hay ‘thần tượng hóa’ người mình yêu? Cuối cùng:
- Rồi một buổi
Tôi vít đầu người yêu ghì xuống
Hỏi: Có cần em lúc canh lụn đêm tàn?
Tội nghiệp chàng như bị bắt quả tang
Ðang gởi hồn về quê mộng
Ôm tôi vào lòng, nhè nhẹ nói: -Không!
Nói ‘Không’, nhưng rồi:
- Nhưng, em ơi!
Ngày mai mình sẽ nên vợ nên chồng
Giữa mùa Xuân trên quê Mẹ
Có quà đỏ, lọng che
Có lễ Tơ hồng, Giao bôi, Hợp cẩn
Ðám cưới tụi mình rộn rã đổ qua sông…
Và nàng, nàng sung sướng reo lên:
Ôi, người tôi yêu
Tuyệt diệu
Em uống anh
Em uống anh như chung rượu cay nồng.
(Người tôi yêu…)
Tình đẹp quá, phải không? Cô gái nầy quả đáng quí, đáng trọng. Yêu một chàng đang ‘sa cơ, thất thế’, ‘uống anh như chung rượu cay nồng’. Thêm một tình trong mộng; mượn người yêu mô tả cuộc sống long đong khốn khó của mình vừa mơ về một đoàn tụ với quê hương.
*Và ‘Only You’ (Tết Mậu Thìn 88), chỉ Em thôi, riêng mình Em thôi! Tiếng Anh không có giống đực, giống cái nên không rõ ‘You’ là anh hay em. Qua bài thơ thì là em. Có thể, đây không là bài thơ nói về tình của chàng hay của cô gái mà là nói chung về Tình Yêu… ‘Only you…, Only you…, Xuyên thượng tầng vũ trụ, Tiếng thầm thì như gọi như ru’. Tiếng Yêu thương như từ trời vọng xuống, len lén đi vào giấc ngủ, đánh thức cuộc tình xưa để giờ đây ‘trả cho nhau cõi đời phù ảo, Ðể tháng năm dài lảo đảo, Mân mê may vá mụn tình xưa’. Cuộc tình xưa, cuộc tình thơ mộng buổi ban đầu, trắng trong, tươi mát, không gợn nét màu trần tục. Tình xưa thánh thiện! Vâng, chỉ có em, only you, vì: ‘Hãy ngẩng lên đếm xem trời có bao nhiêu tinh tú, Ðêm đêm đoàn tụ, Thì tình yêu em còn hơn thế nữa em yêu, Từ bao lâu đã nói thật nhiều, I love you… I love you!’. Từ ‘em’ trong bài thơ không viết hoa để vừa ám chỉ người tình vừa ám chỉ Tình Yêu, cái ‘Tính Thể’ (essence) của Tình Yêu. Bài thơ ít nhiều mênh mang đôi ‘rung động siêu hình’ (frisson métaphysique) qua những lời dung dị.
*Như đã nói trên, người yêu trong nhiều thơ Phương Hà không là người tình thực thụ bằng xương bằng thịt mà là hình ảnh lung linh, mượn qua phong cảnh, núi đồi xứ lạ hay quê hương để nói lên tình cảm thiết tha, chân thành, chia xẻ niềm đau nỗi nhớ cùng luyến thương son sắt, đậm đà như những trao yêu gởi ái.
- Cựu Kim Sơn, chàng có cảm tưởng vùng nầy là nhà của người tình, là chiếc quán trọ đủ ấm êm cho chàng trú ngụ đôi khi tấm thân sương gió của kẻ lữ hành ngồi bên ngọn lửa mà quên một chút gian nan. ‘Nhà em’ (San Francisco 15.7.89), vâng, Nhà em ở đó. Bài thơ đẹp cả cảnh và tình: ‘Cựu Kim Sơn chập chờn sương nũng nịu, Biển lẳng lơ như màu mắt em yêu,… Lối về em tít trên đỉnh gió,… Dưới chân em mây trắng trôi bồng bềnh, Bên kia nhà em, Biển với trời không rời ra nữa, Ôm riết nhau đồng hóa một màu xanh,…’. Cảnh đẹp khiến bước lãng du ‘đêm đêm và hằng bữa, Nỗi thương quê được xoa dịu dỗ dành’. Rời ‘quán trọ’ Cựu Kim Sơn với nước, sông thơ mộng, với Golden Gate diễm kiều, lạc vào Broadway, khu phồn hoa, thế tục, nhìn thân xác mình rơi rụng, tàn xiêu, chàng thấy mình lạc lõng, bơ vơ:‘Vô duyên, vào Broadway buổi sáng, Phấn hương tàn nên chỉ thấy cô liêu’.
*Rồi những người tình phương Tây:
- ‘CHRISTINA’ (10.1.1988), cô gái tên dễ thương, không rõ, Bỉ, Pháp, Mỹ hay Canada, không rõ do đâu chàng ‘lượm’ (?!) được. Cuộc tình đọng được bao lâu? Một ngày hay một đêm, quá ngắn nhưng sao ân ái đến vô chừng! Bài thơ đẹp, dục cảm tràn trề nhưng ân tình đậm sâu vô kể: ‘Những đôi chân tròn ngọc khuyết, Buông ra sẽ hối tiếc đến trăm năm, Ðê mê ngây ngất chỗ ăn nằm, Hớp cổ nâng cằm lên đắm đuối,… Mi diễm tuyệt dựng rào che mắt liếc, Suối đồi đây cùng cây lá lâng lâng,…’. Còn nữa: ‘Hương da ngà phả qua tôi nóng hổi,.. Bứt tháo tung nút thắt với khuy thề…’. Nàng cũng không kém: Tấu ơn thần Cupidon, Xin mũi tên xuyên ngực tử đồng, Cho cả hai cùng chết, Bằng đường tình qua hết mấy hành tinh…’. (Cupidon, thần ái tình trong huyền thoại La Mã). Ðất trời điên đảo!? Ðể rồi cả hai: ‘Theo đường tình đưa nhau, bay, bay mãi, Làm đôi sao Trống Mái cuối Thiên Hà, Ðêm đêm buồn xẹt xuống ghẹo Sao Sa, Christina!… Christina…’. Một miêu tả thiết tha trong suồng sã, thi vị trong đam mê, lãng mạn trong tột cùng khoái cảm, nhưng lại ân tình chứa chan. Không là khoái lạc xác thân mà như là ‘tình yêu dâng hiến’. Cả hai ‘hóa thân’ thành đôi ‘Trống Mái’ nơi cõi thiên hà và ‘Christina’, tên nàng vang vọng nơi trời cao, thỉnh thoảng cùng chàng ngó nhìn trái đất, nơi bao cuộc làm tình chỉ duy khoái cảm nhục thân. Có lẽ, rất ít bài thơ miêu tả dục cảm, dục tình ‘đẹp’ như bài nầy.
- Và ‘CAROLINA’, (Xa lộ 19), gặp nơi đâu, bao giờ, cuộc tình trải bao tháng, bao năm? Bài thơ không nói, cuộc tình dang dở không rõ lý do nào. Chỉ biết, đêm nay:‘Xa lộ đèn vàng, Dẫn anh ra biên giới, Trăng 16 ngọt ngào đứng đợi, Dẫn anh về lũng cũ thăm em’. Nói với cô gái phương Tây nhưng để thủ thỉ với chính mình, như trao cho nàng thân phận tha hương, nhớ thương tha thiết xứ sở mình: ‘Mười hai năm lưu lạc, Trăng xưa nay trải bên thềm, Tình xưa gặp lại tay mềm đan nhau,… Tay lùa tóc níu nghe rên, Mạ non hay má vờn bên ruộng đồng? Nhà anh xưa cạnh con sông, Ra nghe nước chảy theo dòng tưởng say, Nào ngờ thế cuộc đổi thay, Chân trời góc biển đắng cay chuyện đời’. Có lẽ nàng nầy, tâm hồn nghệ sĩ, đã nghe chàng tâm sự và cảm thông nỗi lòng chàng... Có thể Carolina là một cô sinh viên hay một nàng trí thức, sống nhiều về nội tâm. Không có cuồng si nóng bỏng, lạc thú đê mê mà là tình ý hào hoa nghệ sĩ. ‘Em ạ, Thôi đừng bịn rịn, Rồi ra cũng lại chia tay, Cám ơn đuôi mắt tối nay, Theo về cuối ngỏ chân mây chiều tà, Nụ hôn rạch nát khoảnh da, Mai về xứ bạn nhú ra thơ tình, Nhà em ở cách hành tinh, Biết làm sao gởi thơ mình cho em, Trăng đâu mà trải bên thềm…, Carolina, Chút tình dang dở, Carolina…, Em ở đâu rồi!’. Tình buồn nhưng đẹp. Hương tình đọng mãi mà người tình… xa khơi! ‘Trăng đâu mà trải bên thềm’, trăng đâu, vừng trăng Carolina! Cuộc tình với cô gái phương Tây nơi miền đất lạ sao vẫn đậm đà cảnh sắc, tình ý Việt Nam. Carolina, em! Người viết nghĩ rằng Em, Carolina, trong suốt cuộc đời tình ái, em không thể tìm -hay không thể quên- cuộc tình dang dở nhưng mặn nồng, thi vị, nên thơ hoà hợp cả tình, cả cảnh Ðông Tây. Hẳn nhiên em không đọc được bài thơ nhưng dù Em ở hành tinh nào thì nơi đây, em biết chăng, chàng vẫn ‘Mực đọng dư ba, Bút mềm trăn trở’ hằng đêm thao thức gọi ‘Carolina, Em ở đâu rồi!’ (Carolina).
*Ngày ở đảo tỵ nạn Pulau Bidong, tôi có biết một nàng tên K.T. Nàng biết làm thơ và thơ cũng khá hay. Nàng đọc được thơ Phương Hà nơi các báo rồi đâm ra thờ thẩn. Một hôm, cô gái cùng ngồi cạnh, nhìn thấy tên Phương Hà nơi một bài thơ, vội la lên: ‘Ồ,... bác tôi!’. Vui mừng được biết địa chỉ, nàng gởi thơ và thư cho chàng. Thơ của nàng, qua bút hiệu M.T. nói lên hoàn cảnh, tâm sự của nàng kể từ sau tai họa Cộng sản ‘đổi đời’ trên đất nước, quê hương. Chàng đưa thơ nàng, nhờ cố ký giả Nguyễn Ang Ca giới thiệu đăng trên các báo ‘Vượt Sóng’, rồi ‘Sóng Việt’ và các báo chống Cộng khác tại Âu Châu và Mỹ. Chàng hồi đáp cho nàng:
- Thư em đến chiều nay
Từ Mã Lai Á, Sungai
Mười chín giờ bay
Nửa vòng trái đất
Chút tâm tình nặng trĩu trên tay….
Em bé ơi!
Những đắng cay
Những ngày khổ sai nông trường thủy lợi
Tuổi ngọc ngà bữa sắn bữa khoai
Nước mắt trộn mồ hôi
Qua rồi, hôm nay không còn nữa...
Quê hương mưa rào nắng lửa
Ði vội vàng, em bỏ lại sau lưng
Ra đi là chẳng đặng đừng
Khi phải sống giữa bầy lang sói
Ðể lại lây lất mẹ già còm cõi
Tuổi đời đau thắt từng cơn
Ra đi nuốt nhục nuôi hờn
Mai mốt em về phục quốc
Dáng nhỏ tim to hồn say bão lốc
Anh đứng xa nhìn rạng rỡ đuôi mắt em…
(Người em gái trại Sungai Besi, Bruxelles, hè 89)
Thư, thơ qua lại,… tình ái nẩy nở nơi nàng. Khoảng cuối năm 89, nàng từ Mã-Lai-Á qua trại chuyển tiếp Bataan, chờ làm thủ tục lên đường định cư tại Mỹ. Thơ tiễn chân nàng:
- Mai nầy em đi
Lao xao biển gọi
Lang thang mây trắng lưng trời
Ghé nơi nào cũng hỏi: Em tôi đâu rồi
Núi mắc sầu không nói
Ngẩn ngơ bảy ngàn hải đảo đất Phi…
….
Thân gái đường xa
Ðịnh cư xứ lạ
Dư vị cuộc tình
Ðể lại Bataan
(Bataan, 90)
Qua Mỹ, cuộc sống tạm yên, (lúc nầy, nàng 28 hay 29 tuổi trong lúc chàng đã 60), nàng gởi thư đòi bảo lảnh chàng qua Mỹ ở với nàng. Thế nhưng, chưa giáp mặt, chưa hiểu gì về nàng, chàng chỉ muốn ở nguyên vị trí ly cách tha hương. Âu cũng là chuyện thường tình trên ‘tình trường’ nhân thế đề, theo người viết nghĩ, có thể là một ‘giai thoại văn chương’ nếu cả hai cùng đuợc tuổi tên trên thi văn đàn nước Việt sau nầy.
| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |