I- Tai nạn nhà: Người Việt Nam nào, sinh ra trước 1945 cũng đã phải trải qua bao giai đoạn lịch sử
trớ trêu của đất nước: Pháp thuộc, Nhật thuộc, Việt Minh, chiến tranh Việt-Pháp, rồi đất nước chia đôi,
Miền Bắc do Cộng sản thống trị, Miền Nam theo chế độ Tự do; tiếp theo là cuộc chiến Bắc-Nam rồi,
tang thương ập đến: Cộng Sản nắm quyền sinh sát cả nước khiến hàng triệu người lánh nạn, tìm tự do
trong lúc toàn dân càng ngày càng hiu hắt, điêu linh dưới chế độ bạo tàn. Gia đình Phương Hà cũng như
chính chàng và con cháu chàng đã phải sống chuổi ngày tang thương của phận mình và của chung dân
tộc.
*Cảnh đời héo úa, tàn phai từ nhỏ đến lớn được nhà thơ miêu tả, kể lại rạch ròi, nói lên cảnh nổi trôi
của gia đình cùng cảnh tan nát của làng quê, xóm chợ. ‘Cha tôi’, bài thơ khá dài, nhân ngày giỗ cha,
nhắc lại quảng đời nghiệt ngã của cha, của mẹ, của mình từ thưở chàng lên bảy đến tuổi 49, nghẹn ngào
chia tay người mẹ yêu quí, rời Tổ quốc thân thương trên đường vượt biển, tìm tự do.
Suốt bảy năm ròng, từ lúc vừa sinh ra, cùng cha, cùng mẹ xuôi ngược sông hồ trên chiếc ghe chở
bánh dầu, bán buôn qua các vùng Thanh Quít, Giáp Năm, Cẫm Lệ, nghe lời mẹ ru, nhìn cha long đong,
vất vả ‘Cuối giải sông Thu, bến sâu đò vắng, Tìm về đây nghe nằng nặng thương cha’, ‘Lắng xa xa
bùng dâu dập bước, Nhốt kín buồn nghe nằng nặng những thương cha’.
Lên tám, gia đình bỏ cảnh thuyền buôn, định cư ở Long Phước, theo học trường làng rồi ra Hội An lên
ban Trung Học, luôn tê tái, bồn chồn: ‘Sáng đưa chân ngập ngừng cửa lớp, Lào xào lá xốp… nằng
nặng thương cha’.
Rồi chiến tranh, tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà bị dân quân Việt Minh đập phá tan hoang, ‘nhìn trán
cha đắp vồng đau khổ, Tôi nhói tim nặng trĩu xót thương cha’. Cảnh tản cư, đói nghèo xơ xác, ‘sống
nhủi chui lây lất giữa gọng thù’, từng lần: ‘Giữa khuya về khều cửa nhẹ lay cha, Xót xa chưa…
người tiều tụy quá! Thắt ruột mèo sụp nặng nỗi thương cha!’.
Cha vừa 49, bỏ cảnh tản cư, rời làng, rời xã, quang gánh tìm về phố thị. Lủi thủi theo cha, ‘cắn môi
lầm lì đi trước, Một đầu quang em dại, Một đầu bọc nhỏ áo quần nâu… Ôi! còn sầu nào sâu, Bằng
sầu gia vong quốc phá, Lệ nào đầy? Hơn lệ lòng tầm tả…’. Cắn răng nín chịu đau thương, nhìn ‘Cha
thẫn thờ hụt hẫng đắng cay, Môi rướm máu, lòng chùng thương không xiết kể’.
Về thành, gia đình kiệt quệ, chàng mượn vốn tậu chiếc xe đò rồi tạo được hảng xe đò Thuận Xuyên
rồi mở thêm hai công ty Xuất Nhập khẩu. Miền Nam thiết lập chế độ dân chủ, chàng đem sức, đem tài
góp tay xây dựng kinh tế cho nước, cho dân. Nhưng rồi, 7 năm sau, Cộng sản tràn vào. Sự nghiệp tan
hoang, nhân dân Miền Nam xem như ‘mất nước’. ‘Lũ sài lang một lần nữa lại dương nanh, Cũng
giết-giam-cướp-phá tan tành, Cũng vơ vét, siết họng dân lành, Y như lần trước, Dồn lũ con sụp bước
cùng đường’… Sau thời gian tù tội, năm 49 tuổi đời, chàng đành ly biệt mẹ già, bỏ nước, vượt biên.
Hối hận ngập tràn, không đền đáp được công cha nghĩa mẹ. Ðiệp khúc ‘xót thương cha, nằng nặng
thương cha’ quấn quít bên lòng, vương vấn không rời nơi các nẻo đường lữ thứ ‘xác xơ, uất hờn, nuối
tiếc’, nhìn lại đời cha, đời mình, quặn siết tâm tư. Pháp thực dân, Việt Minh Cộng sản, cả hai cũng chỉ
một nòi, đày đọa gia đình chàng, cả đời cha, đời con tan đàn sẩy nghé trong nghiệt ngã, điêu linh:
… Hai thế hệ, một kẻ thù ngu nghiệt
Hai cha con tàn kiệt đến tận cùng!
Ngày giỗ cha, sôi dậy mối thù chung!
*Và Mẹ, người mẹ còm cõi nuôi con ngày ngày tháng tháng là hình ảnh thiêng liêng vừa đẹp vừa đau,
đậm màu trân quí, kính yêu. Ba bài ‘Khóc Mẹ’ rất thực, rất hiền, đơn sơ, bình dị, thắm thiết nỗi niềm
thương nhớ không nguôi. Trên giàn cao, lúi húi sơn tường một cao ốc ở Bruxelles, bỗng được tin Mẹ
qua đời nơi quê nhà, chàng rụng rời, lật bật, nghe mình lảo đảo trong màn bụi sơn. Ðiệp khúc ‘Mẹ ôi,
Mẹ…, Mẹ bỏ con thiệt rồi sao?, Mẹ đi thiệt rồi!’ ở mỗi đoạn thơ là tiếng lòng nức nở vừa sững sờ vừa
dào dạt bi ai:
… Mẹ ôi, mẹ…
Mẹ bỏ con thiệt rồi sao?
Ai đâu vuốt mắt mẹ
Lệ biệt ly khỏi trào…
Mẹ tôi đi thiệt rồi
Ðây con sầu vong quốc
Thương mẹ nằm khóc ngất
Nhớ mẹ, buồn bao thôi…
Mẹ ôi, mẹ…
Bốn lạy phù du
Vọng về vong linh mẹ
Con không khấn vĩnh biệt ngàn thu.
(Khóc mẹ)
Tuần 49 ngày mẹ mất, chàng ôn lại cả quảng đời mẹ lao đao ‘Nhịp tim Mẹ theo con từng bước,
Ngang dọc đường trần sau trước,.. Mẹ lảo đảo chiếc lưng còm’… Bao lần Mẹ hoảng hốt, điếng hồn,
giận run, lẫy bẫy. ‘Năm con hai mươi mốt, Giặc Pháp bắt con, Mẹ chạy như điên,… Chết điếng,
Nhớn nhác, láo liêng, Sợ giặc bắn con liệng xác bên đường…’. ‘Hai mươi chín năm sau, Giặc Cộng
cũng lại bắt con, Thêm tài quơ hốt,… Mẹ chỉ khung mặt giặc: Coi kìa quân mọi rợ, Liềm búa múa
may, Hút máu ban đêm và cướp giữa ban ngày’… (Mẹ tôi II)
Ngày mãn tang Mẹ, tại Costa Brava vùng Tây Ban Nha, ‘lưng đường quán trọ, Chỉ chùm hoa nhỏ
sắt son’, luôn thì thầm ‘Mẹ ơi, Mẹ hỡi’, hối hận hiếu đạo không tròn, trong tâm tư thấy ‘Mẹ vẫn còn’ để
đền ơn đáp nghĩa suốt quảng đời còn lại:
Nắng tắt ngoài kia
Gió chiều nhè nhẹ
Thì thầm với Mẹ:
- Tha thứ cho con
Con không muốn mãn tang, mãn khó
Ðể Mẹ của con
Mẹ của con mãi mãi vẫn còn!
(Mẹ tôi III)
Mẹ của chàng, người mẹ cõi còm, không chỉ nuôi con bằng sữa, bằng công sức lao đao mà còn bằng
tình tự ca dao, suốt bảy năm trời trên chiếc ghe nhỏ sông nước bềnh bồng để sau nầy chàng làm thơ
thương cha, nhớ mẹ, yêu nước, thương dân, gây dựng đàn con lũ cháu nên người hiển đạt, hầu đáp đền
nghĩa mẹ công cha. Người Mẹ đã bảo, đã nạt chàng: ‘Nước mất sao chẳng lo? Mãi ham chi cái phù
du cát bụi, Quên cuộc đời thui thủi đứa lưu vong? Một ngàn năm, mũi vẫn tẹt, mắt đen tròng, Một
triệu năm tóc đen màu kinh rạch, Là người Việt, sao mà thử thách, Ðổi da vàng ra trắng, hỡi con
ơi!’ (Thơ Lửa). Mẹ của Phương Hà, người Mẹ Việt Nam, người Mẹ của tất cả ai ai nặng lòng cùng đất
tổ, quê cha, những người mẹ bình thường, dung dị nhưng son sắt, kiên cường, chịu đựng long đong,
mong ước duy nhất một điều con nên người thơm danh dòng họ, sáng đường lịch sử nước non.
*‘Ðẩy con xuống biển’, nhan đề bài thơ sao bi thảm, nghịch thường, nghe ra chút nào bất nhẫn!
Ðành vậy! Nơi đây là ‘đất chết’, con phải đi tìm sự sống phương xa. Giao con cho chiếc thuyền mỏng
manh, ọp ẹp, lênh đênh trùng dương biển sóng, con có thể ‘chết’ vì đói, vì lạnh, con có thể làm mồi cho
kình ngư, cho hải tặc vô luân, nhưng ít ra, còn một tia hy vọng:
… Ðành vậy thôi… Hãy lao mình xuống biển
Phó thân cho bão táp, phong ba
Mạng giao cho trùng dương biển cả…
Bài thơ viết cho đứa con trai Sơn Ðiền, vượt biên năm 14 tuổi, may tấp lên đảo P. Bidon và được
Canada nhận về cho tỵ nạn. Hãy hình dung cảnh đó. Ðứa con ngơ ngác, tức tưởi, lặng câm, bịn rịn, nói
không thành lời, cố ngăn trào nước mắt. Và người cha quặn thắt, nuốt lệ vào lòng, đành đoạn cố
khuyên: ‘Ði, đi con!… đừng ngó lại, Cũng đừng sợ hãi, Dầu biển Ðông đang sục sôi gầm thét, Dầu
tha phương thân bé bỏng có lạc loài...’: Chỉ còn‘Cầu ơn Trên, Xin Trời Phật độ bình an…’ cho con
được sống. Và ‘May chi còn sống, Thì nợ nước thù nhà con nhớ trả, Xích xiềng, bạo ngược…, hãy
đập tan’. Con của Phương Hà, con của anh, của chị, của tôi, con của những ai vượt biển tỵ nạn Cộng
sản, may mắn đến được vùng tự do, mai đây nên cửa nên nhà, nên danh nên phận, có còn nhớ cảnh chia
ly ruột thắt gan bầm? Ðể không quên ơn cha, ơn mẹ, nghĩa nước tình non, để đập tan xích xiềng bạo
ngược, đem tinh hoa cứu nòi dựng nước, quyết không ‘cung phụng lũ gian tà’!
*Hai lần sa cơ, bị bắt, bị tù; lần ba vượt thoát, được định cư nơi xứ Bỉ. ‘Vượt biển’, bài thơ nồng nàn
tình tự quê hương cùng ý chí hào hùng nói lên chí hướng cùng ý nghĩa của lần ‘đành đoạn’ phải ra đi.
Bỏ lại sau lưng ‘Cần Thơ, Bãi Sào, Mỏ Ó, Ngàn cây xanh ven bờ nước đỏ, rải rác thôn làng hiền
lương đây đó... Bãi cát cồn dâu, đong đưa hoa giấy đẹp đôi màu, Tình láng giềng sớm tối có nhau’,
quê hương đẹp, thanh bình, tình người chan chứa, giờ đây dưới tay quỷ đỏ, ‘thân xác bỏ, cửa nhà tan,
Ðất mẹ giận run ôm đón chút thân tàn’. Việt Nam ơi! ‘Chia tay nầy, ôi đứt ruột… quê hương!’
Nhưng, đành xin ‘Quê hương thương, buông thả chúng tôi đi’ vì đàn con của Mẹ ra đi là để:
Ðun uất hận sục sôi ngàn độ
Nghiến răng lay cho đến kỳ sụp đổ
Lũ bạo tàn đang hút máu nhân dân
Sách Mác Lê giẫm nát dưới gót chân
Quăng trả lại cho côn đồ man rợ
Từ đó giòng Bách Việt sẽ đời đời ghi nhớ
Dại khờ nào để lỡ mất quê hương
Mà đắng cay tê lưỡi bao năm trường…
Ra đi là để trở về với hùng tâm tráng khí của con người nước Việt. Chuyến vượt biển không riêng của
Phương Hà mà chung cho cả hàng triệu người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản. Bài thơ là một thiên ‘anh hùng
ca’ nói lên ý nghĩa cao quí của một ‘Ra Ði’, không riêng để lánh nạn mà là để nuôi chí xóa bỏ cái ‘tai
nạn’ ghê khiếp nầy cho nước, cho dân.
*‘Mùi sữa mẹ’, tiếng khóc đứa cháu ngoại Bích Trâm, chào đời năm 1978 dưới thời Cộng sản, theo
mẹ vượt biên vừa tròn ba tháng rưỡi. Bé vừa sinh ra đã khóc, dĩ nhiên, nhưng tiếng khóc như đã ý thức
phận mình, vận nhà, cảnh nước. Bé phải khóc ‘vì khí quyển đã thôi xanh, Và nắng đã hết vàng…
mà đời vẫn sắn vẫn khoai…’. Bé phải khóc
‘Khi cha mẹ mái tóc rối bời, Vì gốc Ngụy, Sớm tối còng lưng mà đời vẫn sắn vẫn khoai’. Bé phải
khóc vì ‘Thương quê huơng chừ rách nát tả tơi, Mảnh thân sau không tìm ra thân trước… Người đi
nước mắt chảy thay lời…’.
Bé phải khóc!:
… Mẹ! Mẹ bảo sao con đừng khóc
Trước khi mừng công khó nhọc mẹ sinh
Rồi chợt nhớ tới mình
Tay xinh vồ vú mẹ
Có gì đâu, một khoảng ngực bao la
Ðầy ắp yêu thương nhưng không giọt sữa
Mẹ đợi cha về, nay là hai bữa
Chạy giấy tờ mua hộp sữa ‘quốc doanh’
Cho con no lòng
Dầu da mẹ úa xanh
Vì thiếu cơm, thiếu thuốc…
Thơ hiện thực, đúng thôi. Nhưng trong cái hiện thực đó, có nét gì lung linh qua ‘lối viết tự động’
(écriture automatique - phỏng theo quan niệm trường phái Siêu Thực) nầy. Mượn tiếng khóc bé thơ, nói
lên cả tình dân, cảnh nước bi thương, phải chăng ít nhiều cũng là một lối ‘cách tân’ trong nghệ thuật?
Tiếng khóc tự nhiên khi lọt lòng mẹ đã trở thành tiếng kêu gào ‘phải khóc’. Bao trẻ sơ sinh theo mẹ
theo cha vượt biển, nay nơi xứ người đã lớn, đã khôn, liệu có còn nhớ những lần ‘phải khóc’ như thế
chăng? Lời thơ ngậm ngùi, cảm động nhưng là tiếng nấc của con tim nơi mình (tác giả) và nơi bé nhỏ mà
cảnh tình dân nước mặc nhiên như đã hằn sâu vào tâm thức ‘đứa cháu ngoại mỏng manh, Như giọt
nước đầu gành, Dấn thân theo mẹ, Khi tóc còn chưa xanh’. Ðất nước, nhân dân lầm than nơi quốc
nội đang cần những cái ‘phải khóc’ đó của toàn thể mọi người để biết ‘phải làm gì, làm thế nào’ cho
hiện tại và mai đây.
*Cái chết bất ngờ (vì tai nạn rủi ro nơi bồn tắm) cùng một lần của hai cháu ngoại nhỏ -Bích Trâm (đã
nói trên) và Tường Nhi- là cái tang chung cho cả gia đình. Riêng chàng -ông ngoại chúng- ‘bủn rủn,
kinh hoàng, chết điếng’. Cảnh thực trước mắt mà chàng ‘Tôi khó tin, Tôi khó tin có điều phi lý đó’:
… Hai con chim nhỏ
Giờ bay nơi đâu?
Ðể thương, để nhớ, để sầu
Ðể đau buồn khoét rộng khắc sâu
…
Ngoài kia mưa nặng đổ mau
Về đây với mẹ
Lại gần đây ông cháu mình thì thầm, thỏ thẻ
Cháu thương ơi!
Sao dại khờ bỏ cha mẹ, cháu đi đâu?…
(Hai con chim nhỏ bay rồi)
Bốn bài thơ cho hai cháu nhỏ nầy. ‘Cháu đi đâu?’, ‘Hai con bướm trắng cành hoa nhỏ, Ðùa giỡn
bay vòng thật dễ thương’ (Hư ảo), Vâng, chúng đã dễ thương bên nầy và vẫn dễ thương bây giờ nơi thế
giới bên kia và nơi tấm lòng hồi tưởng của chàng; thực ra, mỗi lần nhớ lại là ‘vần vũ trời đen, Chiều lên
xao xuyến,… Bé vẫn đi rồi, Biền biệt… Còn đây khoảng trống bao la…’ (Hư ảo). Ngày Tuần 21 của
hai cháu, chàng gởi một bó hoa cho hai bé, sụt sùi nhớ lại chuyến vượt biển, hai bé vẫn bên nhau cùng
cha cùng mẹ, cùng ông trong hải trình nguy hiểm, thế mà nơi đất yên bình nầy, sao lại ‘Sinh ký tử quy,
Liền em liền chị, Ði… không một lời từ biệt, Ði… một nơi xa hơn.
Thật xa…’ (Bó hoa cho bé). Ngày giỗ Giáp Năm hai cháu, nỗi niềm thương nhớ dậy dàng:
... Cháu ơi!
Cúc màu vàng năm xưa không còn nữa
Năm tháng thở dài bạc trắng giữa mùa đông
Mùa đông trước, thinh không giông bão dậy
Tấp về đây trăm nỗi nhớ bềnh bồng…
Ôi, thương làm sao!
Thương thật nhiều
Thật nhiều… hai cháu có biết không…?!
(Bồng bềnh)
Dĩ nhiên, hai cháu biết. Ðịnh mệnh nhẫn tâm, tàn ác quá! ‘Sao dại khờ bỏ cha mẹ…, cháu đi
đâu?!’. Ði đâu?, thì hẳn biết rồi. Hỏi để hỏi thôi, hỏi để phần nào nguôi buồn, nguôi khổ, hỏi để tình
ông thương cháu, lệ lên mi!
*Và đứa cháu nội Tu Mi, nay đã thành danh nơi Canada nhưng chàng không thể nào quên được cảnh
sống đọa đày của cháu sau Tháng Tư đen, cha bị tù, con lê lết kiếm ăn, nhục nhằn, tơi tả. Bài thơ làm ở
Bruxelles ngày 16 tháng 01 năm 1985 nhưng chàng tự đặt mình vào ngày còn ở Việt Nam trong chuổi
ngày bất hạnh của nước non. Chàng thấy mình bất lực không tròn trách nhiệm với con cùng cháu. ‘Lá
thư để lại’ là lời trăn trối: ‘Ví thử, Mai đây tôi có thiên thu lặn vào giấc ngủ, Thì đứa trẻ nầy, tôi gởi
lại cho anh…’.
Ðứa trẻ đó, đứa cháu nội của chàng: ‘Giờ đây, tôi biết nói gì với anh, Về một đứa trẻ, Thế hệ đầu
xanh, Nổi trôi khi gia vong quốc phá, Khôn lớn hôm nay như là phép lạ, Dẫu mười mấy năm thương
tích vẫn chưa lành’. Ðứa trẻ đó, ‘Tôi còn biết nói gì với anh, Về một đứa bé, Chập chững thôi nôi,
Vắng cha thiếu mẹ, Níu những bàn tay nứt nẻ tuổi đời, Ðầu bạc đầu xanh, Hụp lặn nổi chìm lây lất,
Từ tuổi sa cơ nước mất nhà tan’. Thảm cảnh của cháu, ai gây nên? Chàng trút tội lên đầu Cộng sản ác
ôn cùng người Mỹ lật lường. Lời thơ tố cáo thẳng thừng:
Thế hệ bé rủi ro
Lớn nhằm buổi không gian nặc nồng xú uế
Một bên
Những đứa chăn trâu, những tên đồ tể
Chơi trò vô sản Mác-Lê
Một bên
Di truyền máu buôn nô lệ
Quen với ngày xưa xiềng xích máu xương
Phản phúc điêu ngoa tráo trở khôn lường
Còng tay bạn bán cho quỷ đói…