*Rồi túc căn duyên số đẩy đưa. Thời gian nầy, bức tường ‘Ô nhục’ Bá Linh sụp đổ. Ðịnh mệnh -nếu quả là định mệnh- rồi ra đến lúc ‘giải thoát’ trầm luân cho chàng. Nhà thơ Pháp Raymond Queneau bảo: ‘Lịch sử là môn học về bất hạnh của thế gian’ (L’Histoire est la science du malheur des hommes); không hẳn thế. Luật bù trừ của Tạo hóa không để con người cũng như dân tộc, quốc gia nào triền miên trong khổ nạn, truân chuyên, miễn là luôn biết giữ cái Tâm thiện lành và cái khí hạo nhiên. Phương Hà có được hai điều đó. Hạnh vận -nếu xem là hạnh vận- đã đến với chàng. Ngày 09.11.1989, bức tường ‘Xấu hổ’ -Le Mur de la Honte- Bá Linh sụp đổ, thành trì Cộng sản từ Ðông sang Tây lần lượt sụp theo. Ðến đây, Ðịnh mệnh bắt đầu chấm dứt mọi tai nạn cho chàng, ngoại trừ Tổ Quốc, Quê Hương còn Cộng
Một trường hợp ngẫu nhiên kỳ diệu, chàng liên lạc được với một người bạn gái nhỏ tuổi ngày xưa, đang ‘lao động’ Ðông Âu , cách phía sau bức tường 300 cây số. Hai người âm thầm bàn tính cách thế để nàng có thể sang vùng Tự Do. Rồi, ngày 16.06.90, nàng vượt bức tường, xin tỵ nạn chính trị bên Tây Ðức. Nàng thành công, một thân một mình trước bước ngoặt mới của đời mình. Dòng thơ tình ‘tai nạn’ của Phương Hà bắt đầu từ đây chuyển mình rời ghềnh rời thác, đổ xuống trung du đầy ắp trái ngọt hoa thơm, rạt rào hương nhụy:
- Anh đón em ở đây
Dưới chân bức tường Bá Linh nầy
Bức tường chia cắt Ðông-Tây
Vừa sụp đổ
Em trèo qua lổ hổng
Về với Tự Do…
….
Anh xót xa
Suối tóc em ngày xưa óng ả
Soi bóng mình tìm thấy trăng sa
Cũng vóc ngọc da ngà
Ðổi đời sao rối bù lam lũ…
….
Còn mắt của em
Ngày xưa là vòm sao sáng
Anh lang thang tìm một chiếc xẹt ngang
Ðể cài theo đôi chút mộng vàng
Giờ sao bâng khuâng, thờ thẫn…
….
Còn bàn tay em
Phấn trắng, bảng đen, giáo án ướp mềm
Mười năm trên bục giảng
Ðể rồi lao động Ðông Âu
Nức nẻ cong queo nghe đau từng ngón…
….
Mà thôi, em ạ!
Ngẩng mặt lên đi
Anh lau nước mắt
Ðể ý làm chi những điều vụn vặt
Vốn dĩ vô thường….
(Sao trong mắt 16.06.90)
‘Sao trong mắt’ là ‘bản lề’ chuyển hướng cuộc tình chàng. ‘Sao lưa thưa trong mắt em hực sáng lên rồi’ (Sao trong mắt), vâng, từ nay ‘Sao chẳng bao giờ bỏ mắt em, Núi đời đày đọa biển truân chuyên, Từng trang huyền sử về đan mộng, Chải tóc thơm dài xanh bóng đêm’ (N.T.).
Tuổi nàng kém chàng hai giáp, quen biết nhau trong khoảng thời gian 68-75, cùng chung lý tưởng hoạt động chí nguyện trong các công tác xã hội tại Tỉnh nhà. Là giáo viên nơi một trường Tiểu Học ở ngoại ô Ðà Nẵng, nàng còn đảm nhận công việc trong Cô nhi viện Diệu Ðịnh cho đến năm 1976, Hội Phụ Nữ (thời chế độ Cộng sản) đề cử theo học ở ‘Trường Nuôi Dạy Trẻ Trung Ương’ tại Hà Nội, để rồi năm 1980 trở về làm việc trong hệ thống cấp Tỉnh cho tổ chức nầy. Sáu năm sau, nàng được hoán chuyển làm việc tại Sở Giáo Dục Quảng Nam - Ðà Nẵng, phòng Ðào Tạo Bồi Dưỡng. Tại đây, nàng có cơ hội giúp đỡ việc học hành cho nhiều con em gia đình ‘ngụy’. Chỉ vì bất đồng chính kiến trong việc Ðào tạo, Giáo dục và Tuyển sinh, nàng bị Chi bộ Việt Cộng bắt đi lao động ở Ðông Ðức từ tháng 6.1988. Rồi mọi sự diễn ra như đã nói trên. Quả thật, kể từ 1990 về sau, thơ chàng trên dòng ‘Sông Thơm’ quay trở về với thưở thanh xuân, lãng mạn, lững lờ, êm trôi bên cạnh những cánh đồng trù phú bao la của Tin Yêu, của Huyền Diệu, của Trữ Tình. Tình không còn là ‘tai nạn’ nữa mà là ‘trái ngọt hoa thơm’, từ nay, đúng theo bút hiệu Phương Hà có nghiã là ‘Dòng Sông Thơm’.
Chuyện ngày qua, dễ nói. Chuyện bây giờ… Người viết, kể cả Phương Hà, tác giả tập thơ nầy, giờ đây, thấy khó lòng diễn tả, khó lòng ‘bơi’ theo sóng nhịp tâm tình trên ‘dòng sông thơm’ ngọt ngào cuốn hút. Vậy nên, xin nhường cho lớp trẻ thẩm định cụm thơ L.Th. gồm những bài thơ thật đẹp, từ ‘Sao trong mắt, 10 năm mộng nhỏ, Tình mình, Vòng tay, Sương mù’ đến ‘Lá thu’ rồi ‘Mười năm’, mười năm tình vẫn trẻ, vẫn tươi để mãi mãi xanh trời chim hót, mãi mãi trăng vàng tắm biển long lanh:
-…Em anh cầm tay
Dìu nhau
Con đường tình mong sao đi trọn…
Trên đường tình đó
Có cao nguyên Rheinland
Mùa thu lá vàng hừng hực
Bao năm qua mục kích cuộc hành trình
Cũng trên con đường đó
Làng Bad Schonborn
Mùa đông êm đềm tuyết phủ
Ðêm đêm nằm ấp ủ nỗi thương quê
Và hương thời gian
Vẫn không thôi rù rín rủ em về…
(Mười năm)
Và, người viết xin thêm: ‘Ðường xanh thơm trải lối tình thề’. Bao bài thơ viết cho L.Th., viết về tình chàng và nàng là những bài thơ vô cùng ý nhị, cho thấy tất cả trẻ trung, tươi mát dù tuổi đã cao nhưng đậm đà tình ý thưở thanh xuân. Người viết nghĩ rằng, đọc qua, ai cũng thấy như ‘sống lại’ thưở ‘trăng thề’: ‘Ai già đó, hãy cùng tôi trẻ lại, Ðêm trăng về rừng lá mộng lao xao…’ (N.T.). Người viết xin dành cho bạn đọc và lớp trẻ sau nầy thẩm định. Người viết xin không thêm lời nào vì lẽ giản dị cả hai -chàng và nàng- đều là thân hữu chí tình với người viết, nói nhiều dễ bị hiểu là ‘tán dương’ bạn mình chăng?
‘Tai nạn nhà’ của chàng, bây giờ xem như đã qua hay đã được đền bù. Con cháu chàng đều đã nên người, đều đã có cuộc sống nên danh nên phận và đều là con thảo, dâu hiền, rể quí, cháu ngoan, luôn luôn quây quần, phụng dưỡng mẹ cha chí tình, chí hiếu. ‘Ba biết con của ba, Muốn làm chuyện khác thường, Ba yên chí, Một nụ hôn dài thăm thẳm gởi qua con’ (Tình cô gái Út (Ly Ngọc) - Bruxelles, Fête des Pères, 1990). Và những gì chàng mong muốn ‘Trả lại cha tôi một chút lửa lòng, Trả lại mẹ tôi chút niềm vui ánh mắt, Trả lại em tôi tí hồn nhiên ấu thơ lỡ mất, Và giải thoát cho tôi, Những đắng cay chồng chất…’ (Cha tôi), giờ đây, đã được thỏa nguyện phần nào. Tóm lại ‘tai nạn tình’ của chàng chấm dứt từ ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ để đến năm 1990 gặp L.Th. bền vững sắt son. ‘Tai nạn nhà’ cũng chấm dứt lúc con gái áp út Mộng Cầm về lại Bruxelles và mua nhà rước chàng về ở chung, chăm lo cuộc sống chàng, và con gái út Ly Ngọc tốt nghiệp Ðại Học Y Khoa tại Canada. Chỉ còn ‘Tai nạn nước’, ‘Tai nạn người’ còn lẩn quẩn nơi tâm tư.
Một điều nữa, xin thêm. Từ lâu chàng nghĩ, chàng làm thơ chỉ để đọc với mình hay với đôi bạn bè cùng trương, cùng lứa, cùng cảnh ngộ như chàng. Con cháu chàng, phần truân chuyên đèn sách, phần phấn đấu lo cho cuộc sống nơi xứ người, phần phải thấm nhuần chữ nghĩa cùng cách sống phương Tây, khó lòng đọc, hiểu, cảm thông thơ chàng. Nhưng, không, con cháu chàng có đọc, đã đọc, dù không hiểu được sâu xa thì cùng biết qua nỗi niềm tâm sự người cha, người ông của chúng. Thế là ngày nào, chàng ‘Canh sớm đèn khuya, Chuyện cũ bùi ngùi, Quấn quít bên cha…’ (Cha tôi) thì giờ đây chàng lại được con và rể và dâu và cháu cũng ‘quấn quít’ bên chàng, thương dòng tâm sự người cha, người ông.
Tấm lòng hiền lương, thiện lành cùng chí hạo nhiên nơi chàng đã được cuộc đời cùng ‘Ơn Trên’ bù đắp cho chàng cuộc sống bình yên, không còn phải lao đao tai nạn nhà, tai nạn tình. Chỉ riêng ‘tai nạn nước’, ‘tai nạn người’, nói rộng ra là ‘nỗi đau chung cho nhân loại’ vẫn còn nung nấu trong tim, mong ngày ánh sáng đến với quê hương, với tất cả mọi người.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đôi mẩu chuyện cũ bên lề:
Giữa chốn bạn bè, có lần, anh Võ Ðức Trung, chủ nhiệm tạp chí song ngữ ‘Văn Hóa’ ở Lille (Bắc Pháp) mĩm cười nhìn hai người, rồi nói với chúng tôi: Tình vào cửa trước, Thơ nhẹ bước cửa sau’. Lần khác, bạn bè nhìn dòng ‘Sông Thơm’ (bút hiệu Phương Hà), lên tiếng tiếc cho cái Hội ‘Chồng bỏ vợ chê’ do chàng ‘sáng lập, điều hành’ rồi cũng chính chàng từ giã nó, không biết đến nay còn mất hay trôi giạt nơi mô. Kể cả những bạn bè ràng rịt chung lưng trong nhóm ‘Văn nghệ không tên’ vốn có mục đích đôi khi họp nhau sinh hoạt để cùng ‘gở rối tơ lòng’ trong mọi hoàn cảnh ngược xuôi, ấm ức, đau buồn… trên dòng tai nạn!
Hôm nay, khi tôi viết bài nầy, gọi là ‘giới thiệu thơ chàng’, chàng đã ra khỏi ‘Thơ tai nạn’ trên 17 năm rồi, thời gian song song nơi ‘miền Tây yên tĩnh’ của chàng và nàng. Cả hai vốn là thân hữu của tôi, của một số bạn hữu đồng hương với chàng và nàng, đặc biệt gs Võ Thủ Tịnh từng để ý đến thơ chàng từ lâu, qua niềm cảm thông thương mến tràn đầy. Tôi xin trân quí cung cách bằng hữu chi giao giữa nhau, mặc dầu giờ đây chàng đã lần hồi ‘im ắng’ (chữ của cố văn hữu Nguyễn Văn Xuân) với lộc thi ca.
Nguyễn Thùy
(Gaillard, France, tháng 04/2007)
| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |