Chính nơi bức tường nầy ngã đổ, chàng được đón bao nhiêu đồng hương đã bị Cộng sản VN bức
bách phải qua lao động Ðông Âu. Và cũng chính nơi bức tường ô nhục nầy ngã đổ, chàng đón được
Nàng, chui qua tường tù ngục để từ đó nỗi ‘cô đơn’ của chàng có chỗ gởi trao (xem phần dưới).
- Rồi Ba Lan, Roumanie, Bulgarie, Hongrie, Tiệp Khắc, Ðông Ðức lần lượt từ sau 1989 vùng lên
thoát ách Cộng sản bạo tàn. Chàng đã đến hết mọi nơi đó. ‘Ðêm Prague’ (26/11/89), chàng hòa mình
vào quần chúng thủ đô Tiệp Khắc hoan hô ‘Dứt điểm độc tài, dẹp Ðảng’, đả đảo ‘Mị dân hung ác, hồ
đồ’, hoan hô ‘Ðạp nhào quân tàn bạo’. Căm hờn nổ tung lồng ngực, phấn khởi trào lên ánh mắt, triệu
cánh tay vung lên diệt ác trừ tà, niềm vui lồng lộng loang xa khắp năm châu bốn bể. Lời thơ mạnh, hùng,
tưng bừng khí thế ‘Nến đốt thâu đêm đun nóng Thiên hà, Gan kiên cường gỗ đá cũng văng xa, Máu
chính khí hào hùng tràn qua biên giới’. Chàng như sống cảnh nhân dân ta cũng đang vùng dậy hất
nhào lũ giặc ‘Ðảng cướp ngày’ theo nguyện ước từ buổi ra đi, nuôi chí kiên cường tranh đấu ‘Cho một
ngày quang phục giang sơn ta, Trọn thủy chung tình sau nghĩa trước, Sinh trên quê cha, Thì chết
cũng phải Về Nhà… (Ðêm Prague)
- Nhìn trên Tivi, ‘Sáu ngày Budapest’ (Ðông 1989), dân Lỗ Ma Ni tưng bừng gầm thét ‘Quét! Quét!
Quét… Ceausescu con dơi già, Mồm máu me be bét,… Quét! Quét! quét… Cộng sản Lỗ Ma Ni loài
bọ chét, Bốn mươi năm vơ vét, Từng giọt mồ hôi, Uất hận trào sôi, máu đổ, Quét! Quét! Quét…
Ðạp Dracula xuống lại đáy mồ… Cộng sản, một bầy rắn độc, Soán đoạt quốc gia, mượn danh Dân
tộc, Hút máu lương dân…’. Vui cùng dân Lỗ, chàng cũng bừng bừng lửa hận ‘Cộng sản, Thứ chủ
nghĩa chó trâu, Áp đặt quá lâu trên lưng nhân loại’ rồi hình dung mai đây ‘Ceausescu hay Khu,
Ðồng, Linh, Giáp, Nào khác chi đâu, Cũng đợi nhân dân ghì xuống, Ðập đầu…’ (Sáu ngày
Budapest).
- Và ‘Liên Xô’! Ðêm Thứ Sáu 15/9/89 ‘thiên phóng sự truyền hình của Ðài T.F. Một, Ðưa tôi vào
Goulag, Hang ổ hổ mang, Lò sát sinh thành trì Cộng sản, Tôi bỗng bật cười, Cười hăng hắc giữa
đêm sâu, Cười chết bỏ, Sự thật, đúng là như thế đó, 72 năm khép chặt, xảo trá, đậy che, Bưng bít giờ
đây hết được, Ðàn anh Liên Xô giở nắp, mở hang, Nhân loại bàng hoàng dòm vô sửng sốt’. Rồi
nhìn lại ‘Cộng sản Cambodia, Việt Nam, Trung Quốc, Những tên đồ tể đắc thời ngu dốt, Ðam mê
giống rặt như nhau,…’. Nhìn Tivi, ‘Tên chúa ngục mặt dày nung núc như heo, Ðeo lon Ðại tá, Thân
xác mỡ đầy, núng ninh núng ná, Vờn đám tù nhân tơi tả xương da, Xanh xao, răng tróc, trọc đầu,
Lê bước chân gần như muốn ngã’, chàng kết luận ngay: ‘Hai đối tượng: - Ai người, ai thú?, Có khó
chi mà nhận không ra’ (Liên Xô). Liên Xô vĩ đại, thành trì quốc tế vô sản, ngự trị bao đàn em Á, Âu,
Mỹ, Phi, năm 1991 cũng tan tành, cáo chung chế độ phi nhân, thay cờ, đổi hiệu, trả lại cho dân quyền
sống, quyền người.
Còn bao bài thơ nữa: ‘Chuyến đi Hungary, Budapest, Mùa thu Praha’, nói lên nỗi ngậm ngùi của
nhà thơ trước thảm cảnh các quốc gia Ðông Âu dưới ách Cộng sản cùng nỗi mừng vui náo nức của
chàng trước cảnh rụi tàn của chế độ nầy, rồi nghĩ về Việt Nam, trông chờ một cuộc Cách Mạng nhung
như nhân dân Tiệp Khắc, với Vaclav-Havel đã thực hiện cho dân tộc mình:
- Năm một chín chín lăm
Tôi nhập đoàn du khách
Tìm về Thánh Ðịa Cách Mạng Nhung
Mong sao Việt Cộng bước đường cùng
Tự giải thể, rút lui vào dĩ vãng.
(Mùa thu Praha- Prague 28.5.95)
Thơ thuộc loại ‘Tai nạn nước’, kể cả về ‘Tai nạn nhà’ của Phương Hà, nhìn chung là thơ chống
Cộng sản. Về thơ Chống Cộng, có thể nói, Thơ Phương Hà thuộc trường phái ‘Hiện thực phê phán’
vừa lên án vừa kêu gọi tình người. Tính nhân bản nơi thơ chàng nằm ngay nơi những uất nghẹn,
hận thù cái ‘ác’. Ðối tượng chống đối là chế độ Cộng sản, đối tượng phục vụ là con người. Thơ
Chống Cộng thẳng thừng, thơ tố cáo, đả kích, thơ căm hờn, phẫn nộ, thơ gào thét, giục giã đấu tranh; lời
thơ mạnh hùng nhưng không thô lổ, không mang tính cách ‘khẩu hiệu’, thơ thoát ra tự đáy lòng, thật thà,
dung dị, gây xúc cảm, rung động tâm tình, vần điệu trơn tru, không lắm bóng gió, văn hoa, không tượng
trưng, không siêu thực mà mang chứa chất hiện thực cùng chất trữ tình lãng mạn trong trữ tình thế sự. Bi
thương không bi lụy, đau buồn không rũ liệt, bi thảm trong bi hùng, hùng hồn trong uất nghẹn, kiên
cường trong vật vã; tất cả tâm tình, thái độ, nghĩ suy được diễn tả qua lời thơ thật thà, dung dị, tự
nhiên, hình ảnh sinh động, lung linh, gợi cảm… Những sắc thái hầu như tương phản đó là đặc
điểm nơi thơ chống Cộng của Phương Hà.
III- Tai nạn người: Phương Hà không chỉ đau cho tai nhà nạn nước mà còn đau về bao cảnh đời bi
đát trầm luân của bao người xứ khác cùng bị hiu hắt đọa đày bởi chế độ Cộng sản hay độc tài nơi bao
quốc gia hoặc do một tai nạn khủng khiếp không phương cứu vớt.
*‘Em Bé Éthiopie’, công dân nhỏ của một quốc gia Phi châu nơi vùng Biển đỏ (Mer Rouge) đã cùng
gia đình và hàng ngàn người khác, chết thảm thương trong một trận đói kinh hồn. ‘Ðói, Ðói! Vì đói, Ôi
đói lê đói lết, Ðói hết cựa quậy chân tay, Ðói mờ con mắt, Ðói quắt thân hình, Da nhăn nheo em teo
bằng con mắm’. Em bé, qua màn ảnh Tivi, Bruxelles tháng 11/1984, Phương Hà trong số hàng triệu con
người, vài chục triệu con mắt đã ‘Nhìn trân trối chiếc thân hình khẳng khiu hiu hắt, Với từng đốt
xương muốn xé toạt cùi da’. Em bé tong teo ‘Mắt lờ đờ, Bám từng hơi thở, Quơ sức tàn nhúc nhích
bộ xương khô’. Bao nhiêu tuổi, em thơ? ‘Lên tám? Lên mười, mười một, mười hai?’ Phương Hà
không rõ. Tấm hình hài teo tóp, tuổi mất đi trong trong từng khúc xương cồm cộm qua làn da đen sạm,
tanh nồng, lở loang khắp chỗ. Ðứa em em, bên cạnh, đã chết. Em ‘Là sinh vật thoi thóp sau cùng của
gia đình em,… chờ chết…’. Em không còn thể khóc, lệ đông lại trên mi em. Chỉ còn đôi bàn tay quờ
quạng như cố réo gọi một tình thương. Thảm cảnh em, ai người gây nên? Số kiếp? Không, không là số
kiếp. Chỉ bởi vì, em ơi:
- Em là em bé Éthiopie
Khi em sinh nhằm ‘thiên đường Cộng sản’
Khi đất nước em bị lũ sài lang ngự trị
Với vũ khí tận răng
Và âm mưu ác quỷ
Thay cho lúa mì, áo ấm, cơm no
Em phải chết cho tập đoàn sát nhơn chúng sống...
Tình thương nào ‘nhỏ’ xuống cho em? Em có gào, có thét, có khóc, có than, hơi sức đâu còn cho
em bật thành tiếng nói! Mà dù em có réo gọi đến trời xanh thì quân ác ôn, với búa, với liềm, với nanh
nhe điên ác, chúng đang còn mải miết chia nhau phần cứu trợ: ‘Bởi vì, sau lưng em, Trên đồng ruộng
trống mênh mông, Qua thoáng thấy lũ tự xưng ‘đỉnh cao trí tuệ’, Thân xác kềnh càng, súng gươm
ngạo nghễ, Ðang giành khẩu phần từ đoàn Cứu trợ Tự do…’. ‘Nhân loại rất đổi xót xa, Nhưng
đành… bất lực’. Bởi vì, ‘Em là em bé Éthiopie’, đã phải ‘sinh ra nhằm ‘thiên đường Cộng sản’. Rồi
trong oán hận lũ người lòng lang dạ thú, Phương Hà tiếc: ‘Phải chi, Em ráng sống thêm vài ba năm
nữa, Trán ngang đầu súng, Máu xương kia đốt lửa diệt thù, Thay ôm hận nầy em ngủ giấc thiên
thu’. Cộng sản, bất kỳ nơi đâu, cũng thế! Hàng vạn dân oan VN bị Cộng sản cướp nhà, cướp của,
cướp đất, cướp vườn, cướp ruộng đã khiếu kiện trên cả mười năm hơn, biểu tình ôn hoà xin Chính quyền
giải quyết mà nào có được chú ý cho đâu; lại còn bị Công an, đầu gấu bắt bớ, đánh đập, xua đuổi thảm
thương. Cộng sản nơi đâu cũng coi dân như lợn gà để chúng xẻ thịt liên hoan, vui say dâm dật. Em bé
Éthiopie cùng hàng vạn đồng bào em chết đói, thì hàng vạn em bé VN hiện nay cũng đang chết đói, đang
móc moi từng đống rác tìm chút gì nuôi tấm thân xanh xao, vàng vọt, lê lết vật vờ trước những bữa tiệc
truy hoan của lũ người man rợ.
*Thảm trạng Colombia, em bé gái OMAYRA, qua bài thơ ‘Thương’, sáng tác vào muà Giáng sinh
1985… Một tai nạn khủng khiếp. Một cơn lũ lụt bạo tàn với bùn dâng ngập tràn một thành phố khiến cả
22 ngàn thị dân ‘Chung giờ tử biệt, Dắt nhau vào hủy diệt, Chung mồ, Tập thể ARMERO!’. Ðau đớn
nhất, em bé OMAYRA ‘Sáu mươi giờ hấp hối, Ðôi chân kẹp dưới bùn sâu, Chôn em tới ngực, Ðồng
loại của em bất lực, Chẳng cứu được em, Trăm triệu con người tròn mắt ngồi xem, Từ từ bé chết’.
Phương Hà qua TV, thấy em ngực lún bùn sâu , còn thoi thóp hỏi ‘Buổi học có còn, Trong ngôi trường
gục ngã’, rồi hỏi mẹ, hỏi cha để thì thầm ‘Tình mẹ bao la, Mẹ, mẹ ôi, thương quá!…’. Toàn thế giới
ngậm ngùi, ‘khắp năm châu bốn bể, Cuồn cuộn đổ về, Ðưa tiễn…’ em đi sau 60 giờ hấp hối!
OMAYRA, em bé chết rồi, ‘nhân loại lệ rơi lả chả’. Cái chết của em là một ‘thông điệp’ nhắc nhở thế
giới của tình người, của Thiên lương, đúng nghĩa con người, đến chết vẫn nói ‘THƯƠNG’.
*Trước khi vào giúp việc tại Trường Trung Học Bỉ Maris Stella, Phương Hà đã phải làm đủ mọi việc
khó khăn để nuôi con, trong đó có việc chăm sóc một ông già người Hung-Gia-Lợi. Bài thơ ‘Chuyến đi
Hungary’ (20.8.95) khá dài, khá cảm động, nói lên tình người, cùng chất nhân bản nơi thơ Phương Hà.
Cụ Frankel, 70 tuổi phải trốn khỏi nước mình lúc tuổi 30, khi Cộng sản cướp được chính quyền. Nơi đất
lưu vong, luôn ngùi trông cố quận, rồi người vợ già vừa tạ thế hai năm, ông Cụ buồn, cô đơn, tất tưởi.
Ngày ngày, ông Cụ cùng chàng nhỏ to tâm sự: ‘Những sớm sương rơi, Những chiều tuyết đổ, Ngồi bên
cửa sổ, Hai mái đầu bạc đầu xanh, Người phương Tây, người phương Ðông, Ðồng cảnh ngộ, Bên
tách cà phê rỉ rả chuyện vui buồn’. Cũng như chàng, không chịu thấu cảnh mất tự do, không thể nhìn
nhân dân lầm than dưới bàn tay quỷ đỏ, ‘Thứ chủ nghĩa dành cho chó, cho trâu’, Nhớ nước thương
quê hằng đêm ông khóc’. Phương Hà có cảm tưởng nước mắt Cụ như đổ vào dòng Dona, tức dòng
Danube xanh lơ, để xuôi về Budapest, sau ngôi nhà của Cụ ngày nào. Rồi hai năm sau, Cụ mất, gởi
xương tàn nơi đất Bỉ, chưa kịp về nhìn lại nước non xưa. Tiễn ông ra nghĩa trang, Phương Hà ‘Lủi thủi
theo sau quan tài đơn chiếc, Tiễn đưa ông an nghỉ nghìn thu. Tôi cảm thương ông, Và thương cho
số phận mình tương tự’. Thương thay cho ông Cụ! Chỉ mấy năm sau, bức tường Bá Linh sụp đổ, kéo
theo việc Hungary sạch bóng quân thù Cộng sản thì ông Cụ không còn để trở về đoàn tụ với nước dân
mình. Phương Hà thay ông, làm việc đó: ‘Tôi lặn lội qua Budapest, Tìm tận nhà ông, Như để thực
hiện thay ông, một chuyến trở về’. Không tìm ra ngôi nhà ‘có chiếc cổng sau trổ ra bên dòng Duna
xanh biếc’ như lời Cụ đã mô tả, chàng thả dọc theo cây cầu nối liền Buda và Pest, nhìn dòng sông,
tưởng như hồn Cụ đã về, lệ lòng lấp lánh dòng sông thơ mộng, ‘nhịp nhàng lướt êm theo nền nhạc
valse bất hủ’. Và chàng thấy vui nghĩ đến Cụ Frankel, dù đã qui tiên nhưng ‘mộng ước đã thành,
Hungary đang đứng dậy’. Ôi Johann II Strauss, xin Người sống lại một lần, đem chuyện cụ Frankel
qua thơ Phương Hà, người VN tỵ nạn Cộng sản, phổ thêm vào bản ‘Dòng sông xanh’ (Blue Danube, Le
beau Danube bleu) để bản nhạc của Người thêm chất nhân bản đậm sâu. Bài ‘Chuyến đi Hungary’ chỉ là
bài thơ thuật sự, cảnh thật, việc thật, tình thật, không hư cấu, vẽ vời, tô điểm cảnh ngộ cùng tình mình;
bài thơ giản dị, thật thà nhưng thắm thiết tình người đôn hậu, mối giao cảm chân thành giữa hai người
khác nhau cả màu da, quốc tịch, nhưng cùng thương nước, yêu dân, cùng yêu tự do, căm thù cái ác…
*‘Cây Dương cầm cũ của tôi’ (trả lại ngôi nhà 31.5.96). Hai thực thể cùng một kiếp phù sinh gãy đổ.
Gặp nhau nơi chợ trời, một người là tỵ nạn, một người ‘lẩm cẩm già nua, Bị đời đem bỏ chợ’. Chàng
dắt người bạn về ở chung, cùng ‘chắp nối nợ nhạc thơ,… Mười bảy năm ân nghĩa, Bạn uốn nắn con
tôi: Sồn-la-đô-rế-mì, Tôi chong đèn tối tối, thơ dỏm thương nhạc rè, Mười bảy năm xa xứ, Ðêm buồn
nghe bớt đau’. Nhưng rồi, nhà phải trả, hai người phải phân ly. Cả hai cùng ra đi, ‘Bạn làm hạt mưa sa,
Tôi phiêu bồng vô định’. Giờ đây, cả hai đều luống tuổi, một thân mòn mỏi gối, một tàn tạ héo hon,
‘Tụi mình giờ vô dụng’. Hai người già ‘vô dụng’, giờ chia tay, ‘Tiễn bạn ra lề đường, Bịn rịn rời dĩ
vãng, Nước mắt rơi không hay, Mười bảy năm tri kỷ, Giờ chia ly sao bạn chẳng nói năng gì?!’. Còn
nói năng sao? Im lặng đủ quá rồi! Nói lời gì thêm nữa, làm sao ngăn lệ trào?! Bài thơ năm chữ (có hai
câu chín chữ) giản dị nhưng là một khúc ‘ai ca’, buồn dâng dâng da diết .
Tiếc rằng Phương Hà ngưng làm thơ. Nếu không, bao thảm cảnh thế gian còn được chàng phản ảnh
nhiều. Hàng vạn dân oan khiếu nại, hàng nghìn chiến sĩ đấu tranh cho tự do bị hành hạ xác xơ, hàng trăm
ngàn trẻ nít thanh niên cùng hàng trăm nghìn phụ nữ bị bán buôn tại Việt Nam; cảnh cho xe tăng cán nát
hàng trăm sinh viên nam nữ biểu tình đòi tự do, dân chủ nơi Thiên An Môn, sự việc mua bán thai nhi làm
thức ăn bổ dưỡng để tăng cường dục tính man rợ, cảnh tra tấn, hiếp dâm khủng khiếp cùng mổ bụng
môn đồ Pháp Luân Công sắp chết để lấy nội tạng bán buôn nơi chế độ Cộng sản Trung Hoa; bao bao
thảm cảnh người giết người cùng máu mủ tại Irak, Palestine, Liban, Somalie, Soudan,… vụ Darfur; vụ
người dân đói lả trong lúc bọn cầm quyền dồn tiền mua, chế súng đạn tại Bắc Triều Tiên,… bao bao
cảnh, bao bao nơi dưới bàn tay quỷ đỏ, dưới ách độc tài tàn bạo, ác ôn,…! Thơ Phương Hà còn ít quá!
Phải làm thêm nhiều, nhiều nữa, ông Phương Hà ơi! Và bao bạn thơ tha thiết với tình người, với Chân,
Thiện, Mỹ, hãy đem ngòi bút, hãy gõ vào phiếm chữ Computer, tung lên lưới trời, để phơi bày cái ‘ác’
của lũ người ngạ quỷ hầu cảnh giác nhân gian sớm trở về với nhân tính, với lương tri…
IV- Tai nạn Tình: Tình yêu cũng là tai nạn, ít hay nhiều. Nếu không, Nguyễn Du đâu có thể viết:
‘Tình là dây oan’? Ngoại trừ những trường hợp trọn vẹn đến ngày cùng xuống lổ, còn thì, dù không
đến gãy đổ, dở dang thì cũng biết bao ngậm ngùi, cay đắng. Nhưng tình nơi Phương Hà, qua bao nhiêu
thơ, không lắm đắng cay. Ngoài mối tình đầu với vợ và mối tình sau với Nàng (xin nói sau) sâu đậm,
còn thì tình của chàng không mấy đớn đau, sầu tủi vì tình chàng đậm đà mà lơ lửng, thắm thiết mà lửng
lơ như hình ảnh những chiếc cá con bơi bơi nơi dòng suối nhỏ. Nếu có đau thương thì phần lớn do từ nỗi
niềm ‘tai nạn’ của nhà, của nước trong những bài thơ đó.
Thơ tình phần lớn được làm từ ngày vào giúp việc tại Trung Học Maris Stella, công việc nhẹ nhàng,
có thì giờ rỗi rảnh, nhất là lúc cô đơn vì chuyện buồn trăn trở với người xưa. Nơi đây, lời thơ óng chuốt.
Lời thơ tình mượt mà, ngọt ngào như nắng sớm, sương mai, dịu êm như tình sông nắng trải, hình ảnh
bóng bẩy, phảng phất hương nhụy của trái sớm vừa ươm nhưng hầu như không thiết tha chờ mong ngày
chín tới. Lời thơ tình êm dịu, ngọt mát đưa tâm tình vào mộng mơ, vào hoài vọng, vào tiếc tưởng mơn
man, không u sầu, tăm tối, không than vãn, chua cay, không nhìn tình như ‘trái đắng’ để phải vật vả, tang
thương dù đôi khi cũng lẩn chút đìu hiu, xa vắng, tiếc nhớ mênh mang…
Chàng là người đa tình lại có số ‘đào hoa’. Có thể nói, chàng được phú bẫm cái duyên ‘được tình,
nhận tình’ hơn là phải ‘chạy theo tình’ hoặc ‘trao tình’ cho ai. Ngày ở VN, cùng vợ chí thú làm ăn, lo
cho kinh tế đất nước phát triển, hầu như chàng chẳng có mối tình lang bang nào. Qua Bỉ, bao năm,
chàng cũng không thấy cuộc tình nào gắn bó sắt son. Thân hình thước sáu, nặng 50 cân, trông chàng
sáng sủa, thanh lịch, vào hạng đẹp trai. Phong trần cuộc sống hầu như không đủ khả năng xóa bỏ nếp
‘hào hoa phong nhã’ nơi chàng. Tuổi đời hiện nay khá cao, chải chuốt ít nhiều, nét mặt tươi trẻ, dáng
người thanh nhã, nhất là lối cư xử hiền hoà, lịch sự, tế nhị (có thể do cốt cách hào hoa qua giao tế trong
kinh doanh, thương mãi), chàng không hề làm mếch lòng ai (ngay cả với con cháu), thêm lối bông đùa dí
dỏm, chàng dễ được phái nữ, dù già hay trẻ cảm tình, gần gũi, nhất là với phụ nữ Tây Phương không
mấy lưu tâm về tuổi tác và xem sự việc trao tình, kể cả trao thân không là điều cấm kỵ.
Người già mà thơ tình vẫn trẻ, những vần thơ như thuở thanh niên, sinh viên, mơ màng, ước vọng
mông lung bên cạnh đôi bài lãng đãng ‘tình’ và ‘dục’ xen nhau, lẫn lộn vào nhau nhưng rất ‘nên thơ’ chứ
không dâm tục, sỗ sàng, lộ liễu. Cũng phải kể, người tình nơi một số bài, không là người thực thụ mà là
dòng sông, bãi biển, ngọn núi, mái nhà,… được xem như người yêu, người đồng hành, đồng điệu để
chàng gởi gắm niềm đau, nỗi nhớ, tình nước, cảnh nhà…
Chỉ xin trích nơi đây đôi bài thôi, vì Giáo sư Võ Thủ Tịnh sẽ nói trong bài Lời Bạt của Giáo sư.
*Trước tiên, xin nghe chàng ‘Dụ Khị’ (Mùa thu 87) một cô gái nào đó hoặc tất cả mọi cô gái, có thể
chỉ là tượng tưởng thôi. Xin chép đủ bài thơ:
- Ðến nghe em,
Anh sẽ biểu mùa thu ra đón
Có heo may trần thiết trang hoàng
Bao nhiêu lá đem về treo trên ngọn
Lót lối đi, tô thật sáng màu vàng…
Ðến nghe em,
Anh sẽ lùa mây chơi xa cho trời quang đãng
Biểu nước im cho hồ lặng mơ màng
Mở điều hoà cho không gian vừa đủ mát
Kêu sương về may chiếc robe thiệt là sang…
Ðến nghe em,
Anh sẽ biểu tất cả hoa hồng nở rộ
Ðể làm một bó trao em
Ngày sụp sớm cho đèn đốt lên hực phố
Gọi sao về điểm nhan sắc cho đêm…
Còn anh? -Hằng lâu vẫn đợi dưới thềm
Lắng nghe bước em đi như hơi thở
Bút sẵn trên tay giấy trải một tờ
Em thoáng cười, anh đốn ngã bốn vần thơ…!
Ấy đấy, các cô cứ đến đi để chàng làm thơ khen tặng -bốn câu hay nhiều hơn nữa- ngợi ca nhan sắc
mình để đêm về ‘lơi lả’ giấc mơ tiên!
*Bài ‘Lá Rừng’, một mối tình câm với một nữ nghệ sĩ Bỉ gốc Việt nhu mì, khả ái, dáng thon, mắt
sáng, thanh lịch, dịu hiền, tươi như cánh lá: Nàng, có lẽ cũng đã qua một cuộc tình không như ý. Chàng
lại đang là kẻ phong sương, cuộc sống biết ra sao: ‘Bởi cùng ngại đường xa, Liệu rồi đi có tới,, Lỡ
thêm một lần ngã, Thêm đau lá tơi bời’. ‘Ðừng buồn nha, ở lại, Thương mãi… lá biết rồi’ (xin xem
nơi bài của GS VTT). Thương nhiều, thương lắm nhưng không nên gởi gắm tơ yêu vì nghĩ không nên
đem cái thân phận tha hương nầy gây sầu gây khổ cho người: ‘Tôi vẫn tôi lưu lạc, Em là lá xanh màu,
Tôi sợ đời đen bạc, Em trở vàng sang thu’.
*Trên đường đến Ðan Mạch, gặp một góa phụ cùng chung thân phận tha hương, chàng bày tỏ nỗi
niềm giao cảm qua bài ‘Vân Thi’ rất lãng mạn, rất ân tình, rất đẹp nhưng cũng rất đau thương: ’Bóp con
tim để đừng trao tiếng gọi, Sợ vô tình giao động cụm mây thơ’ (xem bài của gs VTT sẽ viết và xem bài
thơ).
*Viết cho một cô gái đang lưu vong nơi xứ Bỉ, chàng có cảm tưởng như đang đưa nàng qua bao
miền đất nước nơi đây: Zaventem, Waremme, Ardennes, Binche, nào trẩy hội Hoa Ðăng, nào những
Carnaval đêm say cuồng loạn, chàng hình dung cô gái đã phải lìa bỏ quê hương để nay nhớ lại từng ngày,
từng cảnh. Bài ‘Từ Ðó’ (Bruxelles 86) rất quê hương, rất trữ tình, ngẹn ngào rưng rức nhớ: ‘Rời đảo về
đây, Cố hương buồn tóc mây, Má thơm nồng muối biển…’ để từ đó: ‘Ðây rồi sao, Bruxelles… Có
phải bảy cửa ô, Trăng cố đô đâu rồi, Sông nào đen thăm thẳm, Ðâu phải Hàn giang trôi’, ‘Ai dẫn
em vào xa lộ, Nhìn xuống Trung du một tối lên đèn…,’, ‘Rồi em trẩy hội hóa trang, Theo đoàn xe về
Binche, Liên hoan, Tưng bừng suốt sáng’:
- Uống đi em ly nầy
Cốc nữa
Cạn đi em, cho nghiêng ngửa tim sầu
Cho niềm đau lịm tắt giữa đêm thâu…
(Từ Ðó)
Bài tình ca nói về tâm trạng chàng hơn là nói về em gái tha phương.
*Cũng thế, ‘10 năm còn chi…’, chàng như hồi tưởng một mối tình nào xưa xa nơi đất mẹ: ‘Ngày em
đi đôi tám, Bứt sơn khê để mất mối tình đầu, 10 năm rồi mắt biếc gởi nơi đâu… Buổi nhỏ tình yêu,
Cũng giống như mưa chiều nắng sớm, Ðến rồi đi rơm rớm vết thương lòng...’. Và giờ đây, chàng
‘Nâng niu lá thắm, Gởi lại về em… Không gian đó với thời gian nhạc đệm, Ru tuổi xanh đếm bỏ
từng ngày. Buồn của em, Ai biết, ai hay?!’ (10 năm còn chi… -Bờ Ðịa Trung Hải). Tình trong mộng
tưởng. Quê hương hóa thân thành người tình. Nói với đất nước như nói với người yêu gái thân thương.
*Gót lãng du đến Tây Ban Nha, dừng chân ở Costa Brava, trên những nẻo lang thang, chàng như đi
‘Tìm Hơi ấm’ (hè 85) nơi em: ‘…Rời Pyrénées, Bứt đổ chân đèo, Bụi đường đuôi tóc mang theo, Thôi
thúc trùng dương tái ngộ, Ðối mặt nhìn em, thử xem từ độ, Xa nhau, thương nhớ có phai màu?’. Em
là ai, nơi đây? Ðịa Trung Hải, Tây Ban Nha hay người em gái nhỏ anh yêu?
- Và tôi đã gặp em
Lưng mềm não nuột gái Ðông
Nhưng ôi, ôi
Chẳng môi say, mắt đắm, tình nồng
Hết e ấp và không còn hương nhụy
Chỉ Cát vàng rào rạt thủy chung
Em vẫn là em
Người con gái phương Ðông
Ðã lấy chồng phương Tây
Dù qua đây có thương có nhớ
Thì đường chim bay đã lỡ hướng rồi…
Mai anh về, thôi nhé mộng song đôi!
(Tìm hơi ấm - Costa Brava, hè 85)
Bài thơ đẹp, buồn. Ngày xưa, trên quê hương chàng ở, một nơi có tầm mắt nhìn ra biển Thái Bình
Dương. Khi tỵ nạn xa quê, chàng tìm cơ hội đôn đáo chạy xuống Ðịa Trung Hải để nhìn lại biển cho đỡ
nhớ. Nhưng chàng vỡ mộng. Vì cũng là biển, lòng biển liền nhau nhưng tâm tình, phong cách khác hẳn
nhau. Biển xứ người đã không ‘môi say, mắt đắm, tình nồng’ lại thiếu đi cái chất VN nũng nịu, nên thơ
cho nên ‘hết e ấp và không còn hương nhụy’, chỉ có cát vàng còn giữ thủy chung. Cuộc tình ở đây
hóa ra là với biển.
* Không rõ Phương Hà có mối tình đầu nào rồi phải chia tay thưở thiếu và thanh niên. Thời gian
đi học của chàng không dài lắm. Suốt thời lận đận dưới thời Pháp thuộc rồi Việt Minh, trong cảnh sống
lao đao chắc chẳng có cơ hội nào giăng trải tơ tình nơi nầy nơi nọ. Lúc tậu được chiếc xe đò rồi làm chủ
hai công ty Xuất nhập khẩu thì đã có vợ, có con. Dan díu chăng cũng chỉ ‘qua đường’. Thế mà, bài
thơ ‘Tóc mai’ (mùa đông 87), chàng lại thuật lại một mối tình nên thơ. Có thể đây là cuộc tình tưởng
tượng hoặc nhớ lại cuộc tình xưa của ai đó thôi. ‘Nếu phải chiều mai là ngã rẽ, Sớm nay viết sẵn lời
chia tay,… Nếu phải chiều mai là xa mãi, Sớm nay thôi khỏi dậy làm chi,… Nếu phải từ mai làm xa
lạ, Thì đời còn chi đẹp nữa đâu? Buổi gặp gỡ hoa duyên lùa bốn ngã, Ngày xa nhau cứ ngỡ đó tình
đầu,… Vắng em rồi, còn ai đẹp nữa đâu!’... Nếu đây chỉ là cuộc tình trong mộng thì cũng là sự việc
bình thường vì thường trong cô đơn, trống vắng của lòng, xây dựng nên một thứ gì đẹp để tự an ủi mình.
Chắc hẳn nhiều nhà thơ đã từng ấp ôm một ‘tình mộng’ như thế. ‘Người tình trong mộng’ xem ra thi vị,
đẹp sáng, lung linh hơn người tình có thực vì trở thành ‘hình tượng nghệ thuật’ trong thi ca để nhà thơ
hướng vọng, gởi trao bao tình ý đậm sâu mà thực tế cuộc đời không đáp ứng. ‘Làm sao giết được
người trong mộng’, lời thơ, lời nhạc của ai đó, phải chăng nói lên trường hợp nầy.